Bảo Yên - đất địa linh, sông quần tụ, người nghĩa tình

Hoàng Quốc Bảo

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên

Bảo Yên nức tiếng là vùng địa linh nhân kiệt với danh tướng Hoàng Bảy trấn ải phương Bắc xưa, Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Bảo Hà, Thành cổ Nghị Lang với kiến trúc quân sự độc đáo gắn liền với tên tuổi của hai nhân vật lịch sử Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật; có dòng sông Hồng, sông Chảy bồi đắp phù sa và những trầm tích văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi sử sách ghi danh về một Trận Phố Ràng kiên cường, bất khuất… Tiếp nối truyền thống, xuyên suốt dòng chảy lịch sử 60 năm qua, kể từ khi đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân Bảo Yên đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp viết tiếp bản hòa ca đầy sức sống bằng tâm huyết, nghĩa tình.

Mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm kỳ đại hội đều ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ, sự phát triển mạnh về kinh tế, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên luôn đồng thuận và sáng tạo trong việc cụ thể đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương. Giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Bảo Yên tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tập trung trí tuệ, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực đầu tư từ bên ngoài; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra, trong đó có những dấu ấn đậm nét được tỉnh Lào Cai đánh giá cao.

Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo các hoạt động về cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chủ động đề xuất nhiều chương trình làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành của tỉnh về các lĩnh vực: xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng, du lịch, quy hoạch, xây dựng…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Bảo Yên đã đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những định hướng, quyết sách lớn đưa ra đã tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội và đời sống Nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, trung bình đạt 13,7%/năm (đứng thứ 4 trong các huyện, thị xã, thành phố). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, gắn với thị trường hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều đổi mới, sáng tạo và linh hoạt; năng lực điều hành, quản lý của chính quyền quyết liệt, hiệu quả.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bảo Yên đã kết nạp 1.067 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ lên 5.755 đảng viên. Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bảo Yên đã ứng dụng "công nghệ 4.0" để quản lý, nâng cao chất lượng học tập nghị quyết; 17/17 xã, thị trấn đã hoàn thành xuất bản cuốn lịch sử đảng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, luôn gắn việc học Bác với các phong trào thi đua yêu nước.

Huyện có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên vận, phong trào thi đua như: Phong trào Dân vận khéo "10 phút góp phần cải thiện môi trường", "Cùng nhau về thôn"; mô hình "Chính quyền thân thiện", “Hỗ trợ sinh kế, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”. Đặc biệt, vai trò của việc tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất mở đường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án được thể hiện một cách rõ nét. Trong 5 năm qua, huyện có gần 4.000 hộ tham gia hiến đất với tổng diện tích hơn 550.000 m2…

Sáng tạo trong triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Bảo Yên đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với “vựa quế” lớn nhất tỉnh, rộng 25.000 ha (trong đó có hơn 500 ha đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn EU), hơn 300 ha chè (trong đó 200 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP), gần 300 ha chuối (trong đó 100 ha được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận VietGAP). Toàn huyện có 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên; 76 cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm sản quy mô vừa và nhỏ.

Việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới trong Nhân dân thuận lợi. Người dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng và hiến hơn 250.000 m2 đất ở để mở rộng đường giao thông thôn, xóm. 100% số thôn, bản có đường bê tông đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, có nhà văn hóa; đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt. Mới đây, xã Cam Cọn đã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới của huyện lên 8 xã. Bảo Yên đang phấn đấu đến hết năm nay có 16/16 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí nông thôn mới, thị trấn Phố Ràng đạt chuẩn đô thị văn minh và có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Du lịch của huyện phát triển nhanh trong những năm gần đây, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, tiêu biểu là điểm du lịch xã Nghĩa Đô, đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh, động Tiên Cảnh…

Giáo dục, y tế không ngừng được củng cố, phát triển, chất lượng ngày càng cao. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. 100% xã, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Bảo Yên là 1 trong 3 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; có 90% trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng học sinh giỏi THCS, phân luồng tuyển sinh của huyện cũng đứng thứ 2 toàn tỉnh.

Cơ sở, trang thiết bị y tế tiếp tục được đầu tư, trang bị theo hướng hiện đại. 17/17 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,17%/năm, vượt 208% mục tiêu đại hội. Hạ tầng số có bước phát triển đột phá: sóng di động phủ đến 100% trung tâm xã, thôn, bản, tổ dân phố, tăng 55% so với năm 2020; 96% thôn, tổ dân phố và 70,8% số hộ dân có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập internet, tăng 30% so với năm 2020. Chính quyền số đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính trong toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế số chuyển biến tích cực, xã hội số được đẩy mạnh triển khai, nhân lực số được cải thiện.

Phát triển hạ tầng, đô thị là 1 trong 4 lĩnh vực đột phá của huyện, trọng tâm là xây dựng đô thị Phố Ràng hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; xây dựng đô thị Bảo Hà gắn với quy hoạch Tân An - Bảo Hà trở thành đô thị "cửa ngõ" của tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, có hơn 300 công trình, dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện, đặc biệt có dự án đường dây truyền tải điện 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên...

Từ năm 2014 trở về trước, Bảo Yên là "cửa ngõ" của tỉnh, bởi đến trung tâm Lào Cai khi ấy, ngoài tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì Quốc lộ 70 qua huyện Bảo Yên là huyết mạch trong giao thông của tỉnh. Sau này có thêm cao tốc Nội Bài - Lào Cai kết nối với huyện Bảo Yên qua nút giao IC-16 một lần nữa mở rộng cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế cho "vùng đất có hai dòng sông". Không dừng lại ở đó, Cảng hàng không Sa Pa được chọn đầu tư xây dựng tại xã Cam Cọn, tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua… càng tạo thêm cơ hội mới cho vùng đất địa linh Bảo Yên, mở rộng cánh cửa phát triển khi hội đủ các loại hình giao thương kinh tế, văn hóa: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Năm 2025 - tròn 60 năm huyện Bảo Yên được thành lập, cũng là năm ghi dấu mốc khép lại một hành trình và mở ra chặng đường mới. Từ huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, đến nay Bảo Yên đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện và bền vững, tạo “thương hiệu” địa phương “đất địa linh, sông quần tụ, người nghĩa tình”. Huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra (trong đó có 16 chỉ tiêu vượt); tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trung bình đạt 13,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh; 7/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Kết quả đó là minh chứng của sự phấn đấu nỗ lực, khẳng định “Bảo Yên không ngừng lớn mạnh, xứng tầm là vùng đất hội tụ truyền thống, bản sắc và khát vọng vươn lên”.

Sóng gió không làm lung lay ý chí, không quật ngã được tinh thần đoàn kết vượt lên của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, khi vững vàng đi qua đại dịch Covid-19 và thiên tai (sạt lở đất, lũ quét) khốc liệt. Gánh chịu hậu quả nặng nề do hoàn lưu bão số 3, thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng…, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; gần 100.000 lượt cán bộ, công chức “Cùng nhau về thôn” hỗ trợ bà con vùng lũ vệ sinh môi trường, dựng lại nhà ở, khôi phục sản xuất. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, Bảo Yên đã huy động hơn 10 tỷ đồng, hơn 15.000 ngày công lao động và chỉ trong chưa đầy 3 tháng, 1.100 ngôi nhà đã thực hiện xong. Cùng với khắc phục nhà ở do thiên tai, huyện đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 3 tháng so với kế hoạch của tỉnh. Về Bảo Yên hôm nay, sự hồi sinh mạnh mẽ của Làng Nủ - tâm điểm của cả nước trong cơn đại hồng thủy hoàn lưu bão số 3 cuối năm 2024 để thấy hình ảnh “người nghĩa tình”.

Tinh gọn bộ máy và thay đổi đơn vị hành chính là sự kiện mang tính chuyển giao lịch sử, khởi đầu cho hành trình phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững. Theo đề án của tỉnh, không lâu nữa Bảo Yên, từ 17 xã, thị trấn cùng với xã Tân An, xã Tân Thượng của huyện Văn Bàn tiến hành sáp nhập thành 6 đơn vị hành chính cấp xã mới. Sự thay đổi đơn vị hành chính là thử thách, cũng là cơ hội để Bảo Yên khẳng định, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trở thành hạt nhân lan tỏa tinh thần đổi mới. Dẫu tới đây, tên gọi “huyện Bảo Yên” không còn như một đơn vị hành chính độc lập nhưng truyền thống, bản sắc và khát vọng Bảo Yên sẽ mãi khắc ghi trong tâm thức mỗi người dân, tiếp tục được hun đúc trong từng bước đi của các đơn vị mới.

Khép lại nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Bảo Yên - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang chuyển mình, hòa nhịp cùng tỉnh Lào Cai và cả nước triển khai quyết liệt tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, đây là bước ngoặt tạo không gian phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo. Trong khí thế mới, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã sẵn sàng với tâm thế chủ động, quyết tâm cao, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trình bày: Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-yen-dat-dia-linh-song-quan-tu-nguoi-nghia-tinh-post402067.html