Công bố các quyết định thành lập Đảng bộ các xã, phường, đặc khu mới trước ngày 10/7/2025

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Đề án 'Kết thúc hoạt động đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố; thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc Tỉnh ủy Bình Thuận' (Đề án). Việc xây dựng Đề án là yêu cầu cần thiết, đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương… Theo Đề án, mốc thời gian công bố các quyết định thành lập Đảng bộ các xã, phường, đặc khu mới là trước ngày 10/7/2025.

Mục tiêu của Đề án nhằm tổ chức triển khai, cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, Đề án của Trung ương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo mô hình chính quyền 2 cấp: Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Việc xây dựng Đề án, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính các cấp; việc lập tổ chức đảng tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính mới theo đúng Điều lệ Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng đối với hệ thống chính trị địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong đổi mới phương thức lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo tòan diện của Đảng đối với hệ thống chính trị. Trên tinh thần đó việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận được chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng thời bảo đảm tiến độ, định hướng chỉ đạo của Trung ương Xây dựng Đề án“Kết thúc hoạt động đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố; thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc Tỉnh ủy Bình Thuận” là cần thiết, đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Trong quá trình xây dựng Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những thuận lợi, đó là: Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước được thực hiện xuyên suốt kể từ khi thành lập Đảng cho đến nay; việc lập tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội hoặc ở những nơi có đặc điểm riêng được kịp thời điều chỉnh phù hợp với các giai đoạn cách mạng. Cơ cấu, số lượng của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy mỗi cấp thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương cơ bản phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mỗi cấp; chất lượng cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp ở địa phương ngày càng được nâng cao, về tiêu chí, tiêu chuẩn, sự kế thừa; cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, cấp ủy cấp trên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức; đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với địa phương, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Các tổ chức đảng lập tương ứng với đơn vị hành chính được quy định nhiệm vụ, mối quan hệ công tác rõ ràng, cơ bản không có sự chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các đảng bộ, chi bộ cùng cấp. Cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện lãnh đạo hệ thống chính trị địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Mô hình đảng bộ xã, phường, thị trấn cơ bản phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo tổ chức đảng trực thuộc, chính quyền cấp xã, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đảng viên trong đảng bộ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, cụ thể hóa tại địa phương mình và thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp được thành lập đồng bộ, liên thông; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có tổ chức bộ máy, biên chế theo quy định, hướng dẫn Trung ương, bảo đảm phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy địa phương, cơ quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, cụ thể là: Một số ít tổ chức cơ sở đảng ở cơ sở tuy đã được thành lập theo quy định nhưng việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chưa có sự thống nhất; hiệu quả hoạt động có lúc còn hình thức, chưa thiết thực, nội dung sinh hoạt chậm đổi mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số ít tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong từng tổ chức đảng ở cơ sở có lúc chưa cao, vẫn còn tình trạng phê bình chung chung, né tránh, ngại va chạm.

Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra mục đích của Đề án phải xây dựng hệ thống tổ chức Đảng tương ứng với hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tòan diện của Đảng đối với hệ thống chính trị địa phương, phát huy hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu quán triệt quan điểm của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Giữ vững nguyên tắc tổ chức của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Việc lập, kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, cấp xã (cũ); thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu (mới) bảo đảm theo đúng Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương; thực hiện khoa học, chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ với sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp ở địa phương; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội, không để ngắt quãng công việc, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng giai đọan 2025 - 2030. Các cấp ủy địa phương phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khối Đảng, đoàn thể ở địa phương. Làm tốt công tác tuyên truyền, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động phù hợp; bảo đảm điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức làm việc sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp. Giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp, tinh gọn…

NGỌC DIỆP

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cong-bo-cac-quyet-dinh-thanh-lap-dang-bo-cac-xa-phuong-dac-khu-moi-truoc-ngay-10-7-2025-130349.html