Bảo Yên phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Những năm qua, huyện Bảo Yên tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Xác định mục tiêu lớn nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn, Bảo Yên xác định nông - lâm nghiệp là lĩnh vực ưu tiên đầu tư nhằm phát huy lợi thế về đất đai, nguồn lao động. Huyện đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế - xã hội. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bảo Yên chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực, tiềm năng, vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh theo hướng mở rộng về quy mô, diện tích và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Bảo Yên hiện có các cây trồng, vật nuôi chủ lực gồm: Cây quế (hơn 24.669 ha), cây chè (559 ha), cây chuối 220 ha. Cây ăn quả có gần 214 ha gồm hồng không hạt 142,1 ha, bưởi 45,2 ha, thanh long ruột đỏ 26,6 ha, được trồng tại các xã: Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn, Việt Tiến, Minh Tân. Cây dâu tằm được trồng tại 5 xã trong vùng quy hoạch gồm Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà, Việt Tiến, Nghĩa Đô; hiện có 16,3 ha và thực hiện nuôi gối lứa 170 vòng tằm, năng suất trung bình đạt 18,2 kg/vòng, sản lượng kén đạt 3.100 kg.
Đến nay, toàn huyện có tổng đàn gà đồi 573.000 con, được nuôi tại 5 xã (Bảo Hà, Thượng Hà, Điện Quan, Việt Tiến, Xuân Hòa), trong đó có 19 trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghệ cao với hơn 60.000 con. Quy hoạch phát triển vịt bầu Nghĩa Đô tại 5 xã: (Tân Tiến, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Phúc Khánh, Lương Sơn) với tổng đàn hiện có hơn 40.000 con.
Năm 2022, diện tích trồng rừng mới của huyện Bảo Yên đạt hơn 1.854 ha/1.200 ha, bằng 154,55% kế hoạch năm và cơ cấu cây lâm nghiệp chủ yếu là quế, trẩu, bồ đề… góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 61,5%.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tính đến hết năm 2022, huyện Bảo Yên có 18 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với các cơ chế hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện, nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo trong công tác huy động sức dân xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được các nguồn lực của trung ương, địa phương và cộng đồng dân cư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí. Nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn, tập trung; hình thành các mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã từ các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện không ngừng tăng lên theo từng năm, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Đến hết năm 2021, Bảo Yên có 7/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới và theo kết quả rà soát 7 xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022 - 2025 thì Việt Tiến đạt 7/19 tiêu chí, Yên Sơn đạt 7/19 tiêu chí, Nghĩa Đô đạt 6/19 tiêu chí, Lương Sơn đạt 7/19 tiêu chí, Tân Dương đạt 6/19 tiêu chí, Minh Tân đạt 6/19 tiêu chí, Xuân Thượng đạt 8/19 tiêu chí.
Thực tế cho thấy, trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Bảo Yên đối diện không ít khó khăn, thách thức. Đó là nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế, trong khi nhu cầu về nguồn lực để tổ chức thực hiện chương trình rất lớn và nguồn vốn thực hiện chương trình phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương, tỉnh. Mặt khác, hiện trạng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn còn thấp so với yêu cầu của từng tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; nông thôn của huyện tập trung chủ yếu ở vùng địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, suất đầu tư cao nên khó khăn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện...
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Thời gian tới, Bảo Yên tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm...