Bất an với tình trạng 'trẻ hóa' tội phạm
Thực trạng về tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là ở một bộ phận giới trẻ đang gióng lên hồi chuông báo động, được ví như một loại 'dịch bệnh' nguy hiểm. Nếu không có liều thuốc đủ mạnh thì nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội rất cao.
Những năm gần đây, tình trạng tội phạm trong thanh, thiếu niên (nhất là người dưới 18 tuổi) ngày càng tăng về số lượng và mức độ phạm tội. Gõ cụm từ “tội phạm trong thanh, thiếu niên” trên trang Google, có đến 15,2 triệu kết quả.
Nếu trước đây, người chưa thành niên thường thực hiện hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn… thì hiện nay, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi.
Thậm chí, đã hình thành băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Tình trạng bạo lực học đường, một số thanh, thiếu niên tụ tập băng nhóm sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích xảy ra nhiều hơn, gây bất an cho xã hội.
Ở An Giang, thời gian qua, tình trạng này nhen nhóm xuất hiện, thực hiện nhiều vụ án manh động. Tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Long Xuyên tạm giữ hình sự Lê Tấn Tài (19 tuổi) và L.V.P (17 tuổi, cùng ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) về tội gây rối trật tự công cộng và vô cớ chém người gây thương tích, làm xôn xao dư luận địa phương. Theo điều tra, khoảng 18 giờ ngày 17/3, Tài và P. cùng 10 thanh niên tụ tập, bàn tính mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn với nhóm thanh niên ở thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Sau khi bàn bạc, cả nhóm mang theo dao tự chế đi trên nhiều xe gắn máy tìm “đối thủ”. Khi đi đến đường Thoại Ngọc Hầu (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên), nhóm của Tài thấy anh N.T.T điều khiển xe gắn máy chạy phía sau. Nghi ngờ anh T. quay phim nhóm mình, các đối tượng chặn xe, buộc anh đưa điện thoại di động cho chúng.
Anh T. không đồng ý, ngay lập tức các đối tượng dùng mã tấu tấn công. Hai đối tượng rượt đuổi, chém nhiều nhát dao vào lưng, đập điện thoại của anh T. Ngay sau đó, Công an TP. Long Xuyên huy động lực lượng đặc nhiệm, hình sự và công an phường, xã đồng loạt khép kín địa bàn, bắt giữ Tài, P. và đồng bọn.
Trước đó, tối 16/1/2023, đối tượng Nguyễn Nguyên Thành (sinh năm 2006, ngụ thị trấn Phú Hòa) cùng Ngô Trọng V., Trịnh Trí Nh., Ngô Ngọc Ng. và 10 đối tượng khác mang hung khí đến khu vực cầu Bằng Tăng (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) đón nhóm của Mi Đen để giải quyết mâu thuẫn.
Rạng sáng 17/1/2023, phát hiện nhiều thanh, thiếu niên đang “đi bão” sau trận chung kết AFF Cup ngang qua khu vực cầu Bằng Tăng, mặc dù không xác định được trong nhóm thanh niên này có Mi Đen hay không, nhóm của Thành vẫn xông ra rượt đuổi, đánh chém loạn xạ…
Theo các chuyên gia tội phạm học, thực trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do: Tâm sinh lý lứa tuổi thanh, thiếu niên phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia việc làm sai trái, dễ vi phạm pháp luật. Đó còn do nhiều gia đình chưa quan tâm quản lý, giáo dục đúng mức; áp đặt cách giáo dục không phù hợp, thậm chí dung túng, che giấu hành vi phạm tội của con .
Việc tổ chức quản lý, giáo dục pháp luật, đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên.
Các ấn phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên Internet (game online, mạng xã hội) tác động tiêu cực đối với thanh, thiếu niên trong giai đoạn hình thành nhân cách, phát triển nhận thức. Nhất là, mức phạt người chưa thành niên phạm tội còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ phạm tội, chưa đủ răn đe.
Để hạn chế tội phạm ngày càng trẻ hóa, cần nâng cao “sức đề kháng cho xã hội” và tăng cường giáo dục từ gia đình. Đồng thời, cần có giải pháp tổng hợp, đồng bộ, gia tăng trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ riêng lực lượng công an. Cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là đoàn thể, tổ chức; thông qua hoạt động sinh hoạt tinh thần lành mạnh, nâng cao nhận thức pháp luật để thanh, thiếu niên nhận biết hành vi sai trái. Cùng với đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong quản lý, giáo dục con em không tham gia tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật.
Đối với nhà trường, cần thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, giáo dục học sinh thông qua sinh hoạt dưới cờ, buổi ngoại khóa; tư vấn tâm, sinh lý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho học sinh; nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý đối với thanh, thiếu niên tại gia đình, nhà trường, địa phương để chủ động giáo dục, ngăn ngừa tội phạm từ sớm. Nhất là, cần có chế tài đủ mạnh, xử lý mạnh hơn đối tượng vị thành niên vi phạm pháp luật về an ninh trật tự.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bat-an-voi-tinh-trang-tre-hoa-toi-pham-a363898.html