'Bắt bệnh' đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy đua giải ngân đầu tư công

Tiến độ giải ngân đầu tư công khá chậm so với mục tiêu đề ra, mặc dù nỗ lực Chính phủ và địa phương khá mạnh mẽ. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: quy trình, thủ tục, công tác đấu thầu, thi công, lựa chọn, thậm chí vướng cả vấn đề quy hoạch…

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề đầu tư công mới được tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý khẳng định, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nghẽn giải ngân đầu tư công cần phải được tháo gỡ để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, địa chính trị có những yếu tố tác động từ bên ngoài.

Nhận diện các điểm nghẽn

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, giải ngân đầu tư công chậm, có ý kiến cho rằng là do cơ chế. Nhưng vì sao cùng cơ chế nhưng chỗ này làm được, chỗ kia không làm được; bộ, ngành, địa phương này làm được, bộ, ngành, địa phương kia không làm được; chỗ làm nhanh, chỗ kia không giải ngân được?

Tiến độ giải ngân mỗi ngành, mỗi địa phương có khác nhau mà nguyên nhân là mỗi dự án, mỗi lĩnh vực có đặc điểm riêng, cũng có dự án làm xong nhưng thủ tục chưa xong để Kho bạc giải ngân. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng do cơ chế, đền bù giải phóng mặt bằng, quy trình đấu thầu, dự án chuẩn bị chưa tốt…

Công trường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn.

Công trường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn.

Ông Lê Bách Cương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam thuộc Cục Quản lý Đầu tư xây dựng cho biết, Bộ GTVT là một trong những đơn vị giải ngân đầu tư công tốt trong nửa đầu năm nay, dù vậy vẫn gặp một số khó khăn.

Để thúc đẩy đầu tư công, có khoảng 70% các đầu việc để các địa phương có thể đẩy nhanh trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng vì đây là khâu khó khăn nhất trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, tại Bộ GTVT, vốn đầu tư công tập trung vào các dự án cao tốc Bắc – Nam nên còn những vướng mắc liên quan đến công tác vật liệu.

Ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Hợp đồng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM lấy dẫn chứng Dự án metro số 1 để chỉ ra những khó khăn trong giải ngân đầu tư công. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA, liên quan đến kế hoạch vốn, vay lại của thành phố, một số thủ tục phải thông qua thành phố để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và quy định riêng của nhà tài trợ nên gặp độ trễ nhất định. Do áp dụng quy định nêu trên nên khi thực hiện các thủ tục kéo dài thời gian, ảnh hưởng tiến độ giải ngân dự án. Sử dụng vốn ODA phụ thuộc nhất định vào công nghệ, vật liệu, thiết bị của nhà tài trợ.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐHQG Hà Nội cho rằng, có nhiều điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công khiến hầu hết địa phương đều chưa đạt, nhất là TP HCM chỉ 15% là quá thấp so với mặt bằng chung khoảng 30%.

Theo ông Việt, ngoài những vấn đề ngắn hạn tập trung vào các khía cạnh như thủ tục, cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; giải phóng mặt bằng; liên quan đến mỏ vật liệu cơ bản như đất, cát, sỏi và tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA.

Ông Việt phân tích, có nhiều điểm nghẽn khiến hầu hết địa phương đều chưa đạt kế hoạch giải ngân đầu tư công. Trong đó, điểm nghẽn trong ngắn hạn bao gồm vướng mắc về thủ tục, cơ chế điều phối chung, giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, việc sử dụng nguồn vốn kết hợp... Đơn cử, tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng đang gặp tình huống một địa phương đã GPMB xong, còn một bên thì chưa.

Mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận

Ông Lê Bách Cương chia sẻ kinh nghiệm, khi triển khai đồng loạt các dự án cũng có một số dự án được triển khai theo cơ chế đặc thù, các bộ ngành ban đầu còn các lúng túng vì còn một vài cơ chế phân cấp cho các địa phương, cơ chế chỉ định thầu… Sau đó, Bộ GTVT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập các ban chỉ đạo, họp hàng tháng, có khó khăn vướng mắc sẽ tổng hợp báo cáo ngay các cấp thẩm quyền, để cùng các địa phương phối hợp giải quyết kịp thời.

Theo ông Vũ Xuân Nguyên, khi triển khai đồng bộ đường sắt đô thị cần chủ động nguồn vốn để giảm sự phụ thuộc bằng cách huy động nguồn lực trong nước, thông qua mô hình TOD (đô thị và giao thông công cộng).

Về mặt pháp lý, sử dụng nguồn vốn ODA cần tuân thủ pháp luật nhưng cũng phải tuân thủ quy định của nhà tài trợ. Khi triển khai thực hiện còn một số khó khăn, sai khác về thủ tục, tranh chấp hợp đồng. Đây là dự án quan trọng của quốc gia, đưa vào vận hành khai thác mất rất nhiều thời gian, PCCC, an toàn hệ thống…

Đối với dự án ODA, đàm phán hợp đồng cần phải chặt chẽ. Ngoài áp dụng quy định mẫu, đồng thời tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm tra thanh tra và các ý kiến cơ quan chức năng. Quy định rõ về nghĩa vụ các chủ thể tham gia dự án.

Còn TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, về ngắn hạn, cần giải quyết khâu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để giải phóng mặt bằng, giao đất…Về dài hạn, công tác quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch về giao thông cũng phải cải tiến, để khi quy hoạch đất sử dụng dự án cho giao thông phải đồng bộ, đi trước.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) đưa ra ý kiến, cơ quan ban ngành cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận khác. Các dự án đầu tư công cần xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn. Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, sau khi hoàn thành chỉ cần nghiệm thu, đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn.

Anh Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/bat-benh-dau-nam-dung-dinh-cuoi-nam-chay-dua-giai-ngan-dau-tu-cong-1101750.html