Bắt buộc học 2 buổi/ngày: Chất lượng hay áp lực?

Thông tin của Bộ GD&ĐT về việc yêu cầu các trường THCS và THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.

Lộ trình thực hiện học 2 buổi/ngày

Mới đây, tại buổi kiểm tra, khảo sát của Bộ GD&ĐT về tình hình triển khai học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, tới đây Bộ sẽ sửa đổi, yêu cầu bậc THCS, THPT bắt buộc dạy 2 buổi/ngày.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, trong tháng 5, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày và làm rõ từng nội dung để tạo thuận lợi cho các trường trong năm học mới.

Trong bối cảnh đổi mới chương trình GDPT 2018, chủ trương này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, không ít phụ huynh bày tỏ lo ngại về những áp lực và thách thức mà quy định này có thể mang lại.

Nhiều ý kiến ủng hộ

Ngay sau khi thông tin được công bố, đã có không ít phụ huynh bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương này. Chị Đinh Thục Trinh (tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các con được học 2 buổi/ngày. Như vậy, phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi con có môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh, tránh xa được những cám dỗ từ tivi, điện tử khi ở nhà một mình vào buổi còn lại. Quan trọng hơn, việc có thêm thời gian ở trường sẽ giúp các con nắm chắc kiến thức và rèn luyện kỹ năng một cách bài bản hơn".

Bộ GD&ĐT dự kiến trong tháng 5 tới sẽ ban hành hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày và làm rõ từng nội dung để tạo thuận lợi cho các trường trong năm học mới. Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT dự kiến trong tháng 5 tới sẽ ban hành hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày và làm rõ từng nội dung để tạo thuận lợi cho các trường trong năm học mới. Ảnh minh họa.

Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Trân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận định: "Việc học sinh học 2 buổi/ngày tại trường sẽ giúp phụ huynh giảm bớt nỗi lo về việc con thiếu hụt kiến thức. Nếu nhà trường tổ chức tốt các hoạt động học tập và ngoại khóa trong thời gian này, thì việc học thêm bên ngoài có thể sẽ giảm đi đáng kể, thậm chí là không cần thiết nữa".

Anh Chính cũng đưa ra những gợi ý để việc triển khai hiệu quả hơn: "Chủ trương này nên được thực hiện khi cơ sở vật chất của các trường đáp ứng được việc học 2 buổi/ngày, có thể kèm bán trú. Thời gian học chính khóa buổi sáng nên linh hoạt theo mùa, không nhất thiết phải bắt đầu quá sớm. Buổi chiều nên kết thúc trước 16h30, học sinh vẫn cần có thời gian nghỉ ngơi cuối tuần để tham gia các hoạt động gia đình và cá nhân".

Lo ngại về áp lực học tập và gánh nặng chi phí

Bên cạnh những kỳ vọng tích cực, không ít phụ huynh bày tỏ lo ngại của việc bắt buộc học 2 buổi/ngày. Một trong những lo ngại lớn nhất là việc tăng thời gian học ở trường có thể tạo thêm áp lực học tập cho học sinh, đặc biệt là những em vốn đã phải đối mặt với nhiều áp lực từ chương trình học chính khóa.

Anh Lương Văn Minh (quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Việc phải ở trường cả ngày có thể khiến các con cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, giảm thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động cá nhân yêu thích. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các con".

Một vấn đề khác được nhiều phụ huynh quan tâm là gánh nặng về chi phí. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thường đi kèm với các khoản phí phát sinh như tiền ăn trưa, tiền quản lý bán trú, chi phí cho các hoạt động ngoại khóa tăng thêm… Anh Minh lo lắng: "Đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đây có thể là một gánh nặng tài chính không nhỏ, tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục".

Chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh có con đang học ở cả cấp THCS và THPT, chia sẻ: "Tôi thấy việc bắt buộc học 2 buổi/ngày ở cả cấp THCS và THPT là chưa thực sự phù hợp. Cơ sở vật chất của nhiều trường hiện nay còn thiếu thốn để đáp ứng cho việc học cả ngày. Hơn nữa, ở độ tuổi này, các con đã có những định hướng và sở thích cá nhân khác nhau. Tôi nghĩ đối tượng cần được quan tâm và tạo điều kiện học cả ngày hơn là cấp tiểu học và những lớp đầu cấp THCS, khi các con còn cần sự chăm sóc và quản lý nhiều hơn".

Chủ trương lớn cần cân nhắc kỹ lưỡng

Theo một chuyên gia giáo dục, quyết định bắt buộc học 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT là một chủ trương lớn, có tác động sâu rộng đến học sinh, phụ huynh và nhà trường. Để chủ trương này thực sự mang lại hiệu quả tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực, Bộ GD&ĐT cần có những nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng về nhiều khía cạnh.

Trước hết, cần đảm bảo rằng cơ sở vật chất của các trường học trên cả nước đáp ứng được yêu cầu của việc dạy và học 2 buổi/ngày, bao gồm phòng học, phòng chức năng, khu vực ăn uống, nghỉ ngơi cho học sinh.

Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng việc tăng cường thời lượng giảng dạy và tổ chức các hoạt động.

Thứ hai, cần có hướng dẫn chi tiết và cụ thể về nội dung chương trình học tập trong buổi thứ hai, đảm bảo sự cân đối giữa việc củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phát triển năng khiếu, kỹ năng sống cho học sinh. Tránh tình trạng biến buổi học thứ hai thành một buổi học thêm tràn lan, gây thêm áp lực không cần thiết.

Thứ ba, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội được học tập 2 buổi/ngày mà không bị rào cản về kinh tế.

Cuối cùng, cần lắng nghe ý kiến đa chiều từ phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia giáo dục để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình triển khai, đảm bảo rằng chủ trương này thực sự hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, đồng thời tạo ra một môi trường học tập tích cực và hiệu quả cho học sinh. Việc vội vàng áp dụng mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn, gây thêm áp lực và khó khăn cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-buoc-hoc-2-buoi-ngay-chat-luong-hay-ap-luc-169250404233320059.htm