Bất cập trong xác định tội vi phạm quy định cạnh tranh
Quy định về tội vi phạm quy định cạnh tranh trong thực tiễn đã phát sinh một số bất cập, cần sửa đổi để nâng cao hiệu quả thực thi.
Hạn chế về khả năng thực thi
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 2643/BCT-PC gửi Bộ Công an về việc tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015. Kèm theo công văn này là báo cáo chi tiết tổng kết thực tiễn thi hành Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Trong báo cáo, Bộ Công Thương cũng đã đề cập tới những bất cập trong quy định đối với tội vi phạm quy định cạnh tranh.
Theo Bộ Công Thương, Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định về “tội vi phạm quy định về cạnh tranh” tại Điều 217 nhằm xử lý các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong cả nội dung quy định cũng như khả năng thực thi.
Cụ thể, Bộ Luật Hình sự 2015 được ban hành và sửa đổi, bổ sung trước thời điểm ban hành Luật Cạnh tranh năm 2018. Do đó, nhiều nội dung tại Điều 217 Bộ Luật Hình sự năm 2015 được xây dựng chủ yếu căn cứ theo các quy định và cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh năm 2004.
Theo đó, xử lý hình sự đối với hầu hết (7/8) hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Điều 8 (ngoại trừ hành vi “Thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ”) và bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Cạnh tranh năm 2004 khi gây thiệt hại cho người khác từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên. Xử lý hình sự đối với một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dựa theo ngưỡng thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan.

Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự 2015 theo hướng đảm bảo tính thống nhất với cách tiếp cận và các quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Ảnh minh họa
Sửa quy định để phù hợp thông lệ quốc tế
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã được thay thế bởi Luật Cạnh tranh năm 2018. Trong đó, có nội dung quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm với cách tiếp cận kiểm soát trên cơ sở kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý với hai điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi thay vì cấm dựa trên tiêu chí thị phần. Trong đó, những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có tính chất nghiêm trọng, luôn có bản chất hạn chế, bóp méo cạnh tranh.
Điển hình như thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ, phân chia thị trường, hạn chế sản lượng giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan và thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu bị cấm mặc nhiên mà không cần phải chứng minh thị phần kết hợp giữa các bên tham gia thỏa thuận hay tác động của hành vi.
Các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ít nghiêm trọng hơn chỉ bị cấm nếu gây ra hoặc có khả năng gây ra tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Hai là, mở rộng phạm vi các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị kiểm soát, không chỉ bao gồm các thỏa thuận theo chiều ngang (thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan) mà còn bao gồm cả thỏa thuận theo chiều dọc (thỏa thuận giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định).
Cách tiếp cận kiểm soát các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Luật Cạnh tranh 2018 cũng được điều chỉnh trên cơ sở phù hợp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp và thông lệ quốc tế. Do đó, nhiều nội dung tại Điều 217 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về cạnh tranh nhìn chung chưa đảm bảo tính thống nhất với cách tiếp cận kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại pháp luật cạnh tranh hiện hành cũng như chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở những bất cập, hạn chế của Điều 217 Bộ luật Hình sự đã phân tích ở trên, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều này theo hướng đảm bảo tính thống nhất với cách tiếp cận và các quy định của Luật Cạnh tranh 2018, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực thi và tăng cường tính răn đe của chế tài hình sự.