Bất chấp các khó khăn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dự chi 300 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022
Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Trong bối cảnh toàn ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, việc tập đoàn tiếp tục duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông được xem là nỗ lực đáng khích lệ.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (mã cổ phiếu: VGT – sàn: UpCOM) vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền năm 2022 vào ngày 30/6/2023. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 29/06/2023.
Tỷ lệ cổ tức năm 2022 được ấn định tại mức 6% vốn điều lệ, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu VGT sẽ được nhận 600 đồng. Ngày thanh toán dự kiến là 25/08/2023. Với 500 triệu cổ phiếu đang được niêm yết và lưu hành, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dự kiến sẽ cần chi 300 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông đợt này.
Cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Dệt May Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Với việc nắm giữ hơn 267 triệu cổ phiếu VGT (tương ứng 53,49% vốn điều lệ), SCIC có thể nhận về hơn 160 tỷ đồng từ đợt chi trả cổ tức này.
Cổ đông lớn khác là Itochu Textile Prominent (ASIA) Limited sở hữu 65 triệu cổ phiếu VGT (tương ứng 13% vốn điều lệ) sẽ nhận về khoảng 39 tỷ đồng cổ tức. Được biết, Itochu Textile Prominent (ASIA) Limited là công ty thuộc tập đoàn Itochu, một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản. Tập đoàn này đã đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 2018, tập đoàn Itochu đã chi 47 triệu USD để mua gần 10% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn ngành dệt may Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, việc Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông được đánh giá là điều đáng khích lệ.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 1/2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 4.209 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 92,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và giảm gần 72% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dõi các thông tin về ngành dệt may trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong năm nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận 610 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 50% so với mức thực hiện của năm 2022. Kế hoạch này được xây dựng trong bối cảnh dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 tiếp tục giảm 8% so với năm 2022; trong năm ngoái, tổng cầu dệt may thế giới đã giảm 6% so với năm 2021. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Tập đoàn Dệt May đã thực hiện được 24% mục tiêu doanh thu và hơn 15% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam định hướng, từ nay đến năm 2025, sẽ dần tự chủ nguyên liệu, tạo được chuỗi sản xuất nội bộ. Theo đó, lợi nhuận sẽ được chia sẻ và cân đối trong chuỗi từ kéo sợi, dệt nhuộm hoàn tất đến may, không mất đi lợi nhuận khi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng sẽ đạt trên 80%.
Trong diễn biến liên quan, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam vừa thống nhất thông qua phương án thoái toàn bộ vốn tại công ty con là Công ty TNHH Nguyên liệu Dệt may Việt Nam và công ty liên kết là Công ty Cổ phần Vinatex OJ.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang nắm 61,6% vốn tại là Công ty TNHH Nguyên liệu Dệt may Việt Nam, giá trị đầu tư gốc là 29.32 tỷ đồng. Tại Công ty Cổ phần Vinatex OJ, tỷ lệ sở hữu là 35%, giá trị vốn góp ban đầu là 10.15 tỷ đồng.
Được biết, Công ty TNHH Nguyên liệu Dệt may Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực mua bán nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng ngành dệt may. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vinatex OJ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị may, phụ tùng ngành may, sản xuất theo yêu cầu các loại bàn cắt, ghế ngồi may… và tư vấn về thiết lập chuyền may cho các nhà máy may.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 23/6, cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam có giá tham chiếu tại mức 13.000 đồng/cổ phiếu.