Bật chế độ 'cảnh giác' với nồng độ cồn
Uống rượu bia ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, công việc hoặc mối quan hệ. Theo Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết, có gần 600 người phải khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, say rượu bia...
Trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ vừa qua, cảnh sát giao thông cả nước đã xử phạt hơn 17.100 người vi phạm nồng độ cồn, giảm hơn 20.300 vụ so với cùng kỳ. Bắt đầu từ năm 2025, hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị tăng mức xử phạt hành chính, bên cạnh đó còn có thêm các mức hình phạt bổ sung như trừ điểm giấy phép lái xe hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe...
Bên cạnh việc vi phạm luật an toàn giao thông, nguy hại hơn cả là những tác hại tiềm ẩn tới sức khỏe của mỗi người. Uống rượu bao nhiêu là quá nhiều? Theo các khuyến cáo y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức tiêu thụ rượu an toàn là: Nam giới, không quá 2 đơn vị cồn/ngày, nữ giới: Không quá 1 đơn vị cồn/ngày, không nên uống quá 5 ngày/tuần.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, uống quá nhiều rượu bia nghĩa là hơn 15 ly rượu/bia một tuần đối với nam giới, hơn 8 ly một tuần đối với nữ giới. Một ly rượu/bia được quy ước là 1 chai bia 350 ml, 1 ly rượu vang 150 ml hoặc 1 ly rượu mạnh 45 ml. Say rượu rất khó chịu và có thể khiến bạn mất ngủ cả ngày.
Làm sao để biết mình uống quá nhiều? Buồn nôn, đau đầu, hoặc mất kiểm soát sau khi uống là những dấu hiệu ngắn hạn. Mất kiểm soát hành vi, nói năng khó khăn, hoặc mất trí nhớ tạm thời. Tác dụng dài hạn là tổn thương gan (gan nhiễm mỡ, xơ gan). Rối loạn tiêu hóa, tim mạch, và hệ thần kinh. Nguy cơ nghiện rượu hoặc các bệnh mạn tính (ung thư, đột quỵ)...
Trong dịp đầu xuân năm mới, việc sử dụng rượu bia có thể gia tăng. Thực tế, phương pháp tốt nhất để tránh bị say rượu là không uống, hoặc uống với mức độ vừa phải, ngay từ đầu. Bên cạnh đó, người dân có thể áp dụng một số cách để giải rượu hiệu quả để bảo vệ sức khỏe nếu chẳng may quá chén.
Trong đó, nước là giải pháp số 1 để bù nước sau một đêm uống rượu, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Haley Bishoff cho biết. Nước rất cần thiết để bù nước và giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Uống đủ nước là cách đơn giản và hiệu quả nhất để chống lại tình trạng mất nước do rượu gây ra.
Nước ép trái cây (100% nước ép), đặc biệt là những loại có nhiều vitamin và chất chống oxy hóa như nước cam hoặc nước ép cà chua, có thể giúp tăng lượng đường trong máu và cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Lượng chất lỏng bổ sung cũng có thể giúp bù nước cho cơ thể. Chuyên gia dinh dưỡng Mỹ Mandy Enright giải thích kỹ hơn về lợi ích của nước ép cà chua: “Nước ép cà chua rất giàu natri và kali, hai chất điện giải cần thiết để bù nước. Loại nước ép này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như lycopene, cũng như các loại vitamin tốt cho cơ thể”.
Nước chanh mật ong cũng giúp bổ sung vitamin C, đường và tăng cường giải độc gan. Nước mía giúp làm dịu cơ thể và cung cấp năng lượng nhanh chóng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy trà xanh có thể hữu ích trong việc giải rượu do hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Ngoài việc tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể, các loại trà thảo mộc như trà gừng hoặc trà bạc hà có thể làm dịu dạ dày và giảm buồn nôn.
Nước dùng và súp có vẻ không có gì đặc biệt, nhưng chúng chứa một kho chất dinh dưỡng chống say rượu. Nếu bạn đang mất cảm giác thèm ăn, nước dùng sẽ là một lựa chọn nhẹ nhàng với dạ dày và giúp bổ sung lượng chất lỏng đã mất. Chuyên gia Enright nói thêm: "Nước dùng, đặc biệt là nước hầm xương, có thể có hiệu quả trong việc giải rượu vì nó không chỉ cung cấp chất lỏng mà còn chứa chất điện giải và một số protein, có thể giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể".
Uống rượu có thể khiến một người đi tiểu nhiều hơn, điều này cũng đào thải một số chất dinh dưỡng ra khỏi cơ thể. Chuyên gia dinh dưỡng Mỹ Michelle Routhenstein cho biết: "Đồ uống có chứa chất điện giải có lợi cho tình trạng say rượu vì chúng giúp bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất do tác dụng lợi tiểu của rượu". Đồ uống điện giải bao gồm đồ uống thể thao, nước dừa, bột điện giải hoặc Pedialyte. Những loại đồ uống này rất tốt để bổ sung các chất điện giải natri, kali và magiê bị mất do tác dụng lợi tiểu của rượu. Đồ uống điện giải giúp khôi phục sự cân bằng nước của cơ thể và có thể làm giảm các triệu chứng như chuột rút và chóng mặt.
Bên cạnh đó là một số sản phẩm giải rượu có sẵn. Các viên uống như RU-21, hoặc Hepalyse EX được đánh giá cao nhờ thành phần hỗ trợ gan và giảm các triệu chứng sau khi uống rượu. Nước giải rượu đóng chai hoặc các loại nước uống chứa vitamin và khoáng chất được cho là có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh...
Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cũng cho hay, hiện nay, các cơ quan y tế chưa chính thức công nhận bất kỳ loại “thuốc giải rượu” nào. Các sản phẩm được bán trên thị trường thường là thực phẩm chức năng với các thành phần như glucose, vitamin, các axit hữu cơ (acid glutamic, acid fumaric, acid succinic,...), giúp hỗ trợ gan chuyển hóa rượu và giảm nhẹ một số triệu chứng.
“Thuốc giải rượu” như cách gọi của mọi người hiện nay thực chất là để tăng cường chức năng hoạt động của hệ thống men gan, từ đó tăng phân hủy rượu, giúp mọi người nhanh tỉnh táo, loại bỏ cảm giác nôn nao kéo dài sau khi uống rượu.
Theo bác sĩ Cận, khả năng chuyển hóa của gan có hạn, gan sẽ chỉ sản sinh một lượng enzyme nhất định mỗi giờ. Vì vậy, nếu uống quá nhiều rượu, gan sẽ không sản xuất kịp các enzyme chuyển hóa. Bác sĩ Cận khẳng định các sản phẩm giải rượu đang quảng cáo không có khả năng ngừa tác hại của rượu. Lạm dụng các sản phẩm này có thể khiến người uống chủ quan và uống nhiều rượu hơn, gây hại cho sức khỏe.
Tóm lại, nếu bạn từ 40 tuổi trở lên mà không có bệnh lý tiềm ẩn, nghiên cứu mới cho thấy một lượng nhỏ rượu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường. Vì thế, tốt hơn cả là tránh lạm dụng rượu, vì tất cả các phương pháp trên chỉ giúp giảm triệu chứng chứ không thay thế việc bảo vệ sức khỏe.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-che-do-canh-giac-voi-nong-do-con.htm