Truyện ngắn: Xuân về!
Xe chòng chành qua con ngõ hẹp, đỗ xịch trước một ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ.
Tâm lục tục xuống xe, kéo lê chiếc va li ôm khư khư từ lúc lên xe cho đến bây giờ. Bác tài hô lớn: “Ai xuống đoạn Cầu ao này thì xuống liền nhé, xe còn trả khách”.
Vài người nữa lục tục, anh lơ xe vội vã đẩy lưng khách xuống đường cho nhanh. Một vài người tỏ thái độ khó chịu. Nhưng kệ! Xe đã èn èn đi qua con đường nhỏ, bỏ lại đám khói bụi mịt mờ phía sau. Những người trên xe lầm lũi mang vác mấy bọc đồ nặng, cũng chẳng kịp hỏi han nhau câu gì. Trời đã xâm xẩm, ai về nhà nấy.
Cơn gió lạnh xộc thẳng vào tấm áo mỏng, Tâm co rụt người lại. Cô kéo ba lô che trước ngực, chậm rãi bước qua cầu nhỏ để về nhà. Giờ này, chắc mẹ đang tất bật dọn dẹp bếp núc, lau dọn nhà cửa đón Tết.
Cô khẽ thở dài khi thấy đám cây trước nhà, bụi đỏ bám đầy, tuyệt nhiên chẳng ai để ý tới. Năm nay kinh tế hiu hắt, công ty cũng trả lương èo uột, nhưng nghĩ đến mẹ một mình còm cõi nơi quê nhà, Tâm không đành lòng ở lại thành phố. Năm nào cũng thế, dù đói dù khổ, cô vẫn muốn vác ba lô trở về nhà, cùng mẹ vui vẻ trong những ngày Tết.
Lo cho mẹ những bữa cơm ấm cúng, điều mà quanh năm cô ở xa nên chẳng làm được. Bao lần ngỏ ý muốn nói với mẹ, chắc con sẽ quen một ai đó, lập gia đình, có thêm bầy cháu cho mẹ vui cửa vui nhà. Nhưng nhìn ngôi nhà hẩm hiu đầy rêu phong cổ kính, cô lại chùn bước. Thời đại này rồi, lấy nhau người ta cũng chọn tông, chọn tổ.
Nhà cô, chẳng có gì ngoài mảnh vườn xanh bát ngát rau, mùa Đông nào mẹ cũng gieo để dịp Tết bạn bè Tâm đến chơi có cái ăn lẩu, cuốn bánh tráng. Mùa này ở quê, ai cũng trồng được rau nên mẹ cũng chẳng bán buôn được nhiều. Những bụi hành, bụi tỏi, đám xà lách xanh mơn mởn. Cà chua bi chín đỏ ngoài cây.
Tâm nhớ, cứ mỗi độ Đông về, mẹ lại lụi cụi lo cho đàn gà, đàn heo trong chuồng. Sợ chúng lạnh quá mà chết cóng, nên đêm nào mẹ cũng mang trấu ra ngoài chuồng, đốt lên cho có hơi ấm và xua đi những con muỗi vo ve vây quanh.
Đợi Tết đến, đủ cân đủ kí thì bán cho bà con lối xóm, hoặc mang xuống chợ huyện. Thế là có được ít tiền tiêu Tết và dành dúi vào túi cho Tâm khi cô trở lại trường học. Bây giờ cô đã đi làm, thi thoảng gửi về cho mẹ dăm ba đồng, bảo mẹ cứ chi tiêu mua sắm trong nhà, ăn uống bồi bổ sức khỏe.
Nhưng dường như mỗi người mẹ ở quê đều rất tiết kiệm, ít tiêu xài và chỉ mong con cháu đủ đầy, sum vầy trong những ngày Tết. Bao nhiêu món ngon, vật lạ, chỉ cần con ngỏ ý thôi, mẹ đã lục tục đạp xe ra chợ, mua về…
Những ngày tháng cấy thuê, cuốc mướn, vật lộn trên cánh đồng làng đã khiến lưng mẹ còng đi, thỉnh thoảng xương khớp lạo xạo. Mấy lần cô bảo mẹ nghỉ ngơi, ít ra ruộng vườn, còn lo cho sức khỏe, nhưng mẹ cứ ậm ừ, vẫn cặm cụi ngoài vườn suốt từ sáng đến tối.
Mẹ không hối thúc cô lấy chồng, nhưng ánh mắt chứa chan nhiều điều hoang hoải, thẳm sâu của một người đàn bà bao năm tần tảo. Mẹ chưa bao giờ nhắc đến ba, người đàn ông trốn chạy khỏi cuộc đời mẹ con Tâm khi cô tròn 5 tháng tuổi. Nghe đâu, ông bà nội gọi về, chia gia tài, sợ mai này ông bà mất, anh em gây hấn nhau.
Tâm chỉ biết thế, còn lại chẳng có thông tin gì về quê nội. Bà ngoại vẫn thường thủ thỉ vào tai cô: “Mẹ con là người thiệt thòi nhất nhà, ráng cố gắng học giỏi, mai này còn đền đáp công sinh thành của mẹ, ngoại già rồi, mấy hồi mà phải đi xa”. Tâm ôm ngoại thật chặt, rưng rưng nước mắt.
* * *
Năm nay Tâm có người yêu, đúng vào dịp miền Nam có những cơn gió lạnh miên man trên da thịt, cô thích thú tận hưởng không khí lành lạnh, nhẹ nhàng dạo chơi dưới con đường đầy ánh đèn lấp lánh của nhà thờ. Hai người tình cờ gặp nhau dưới cây hoa giấy lớn.
Qua hỏi han, trò chuyện, cô biết anh cũng là người cùng quê với mình, nhưng gia đình anh đã chuyển vào sống ở miền Nam nhiều năm. Nếp sống, cách sinh hoạt và kể cả giọng nói của anh đều là người miền trong. Nhưng có một điều Tâm cảm nhận được ở con người ấy là sự ấm áp, yêu thương và nét quê nhà ẩn hiện trong đôi mắt, giọng nói.
Có lẽ vì thế sau mấy tháng anh đeo đuổi, cô đã gật đầu đồng ý làm người yêu của anh. Năm nay anh hẹn sẽ về quê thăm gia đình cô, ra mắt với mẹ và họ hàng, nhưng thời gian gấp gáp, gia đình bên anh cũng đang trong thời gian tìm hiểu về Tâm nên chưa cho phép anh tự ý về quê với cô.
Trong thâm tâm, cô có chút gợn buồn nhưng cô hiểu đó là điều đương nhiên mà mỗi người lớn đều nghĩ khi muốn con cái mình về một chốn bình yên. Lấy gái xem “tông”, “lấy chồng xem họ”, đó là câu nói mà mỗi người lớn đều nhắc nhở con cái mình khi chúng lập gia đình.
Tâm miên man suy nghĩ về tình yêu mình đang có, đôi khi cô thấy chạnh lòng, nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua khi cô nghĩ về mẹ, những hi sinh lớn lao mà mẹ đã dành cho cô, thì tự nhiên ứa nước mắt, thương mẹ biết nhường nào.
* * *
Trở về nhà sau những mệt mỏi ở công ty, Tâm lại xắn áo, quẩy gánh ra đồng, phụ mẹ những ngày bận rộn cuối cùng của năm. Năm nay, bão xẹt qua ngôi làng nên dường như mọi thứ đìu hiu hơn, người người gom những nỗi buồn của tháng năm cũ, tất bật dọn dẹp cửa nhà.
Chợ làng râm ran tiếng người mua, kẻ bán. Một năm với biết bao nhiêu biến động nhưng phiên chợ cuối năm, lúc nào cũng đầy những hoa thơm, trái ngọt. Mọi người chắt lọc được bao nhiêu của ngon trong nhà, đều chờ phiên chợ cuối năm để đi bán, kiếm chút tiền mua sắm vật dụng trong nhà.
Dường như với niềm vui ngày Tết, người ta bỏ qua những vụn vặn cho nhau, người bán dễ chịu, người mua cũng không trả giá. Bao nhiêu âu lo bỏ lại phía sau lưng.
Tâm gánh mớ bưởi mẹ hái trong vườn ra chợ. Mấy cô hàng xóm thì thầm “lớn tướng rồi nhỉ, lấy chồng đi cho mẹ Nhàn nhờ”. Tâm cười bẽn lẽn, vâng dạ rối rít. Trong tấm áo khoác dày mùa Đông, cô thoăn thoắt tay gói bưởi vào giỏ cho mọi người. Giờ này, mẹ đang tất bật hái thêm để bán nốt kiếm tiền cuối năm.
Bà ngoại sẽ ngồi trước cửa, trông mấy con gà để chúng không ra vườn mổ hết đám rau của mẹ. Vài chú trung niên trong làng đang mổ heo, chia phần đụng cho mọi người. Nhà Tâm đăng ký 5 cân thịt, mấy cái chân giò và tai để làm món gỏi tai heo tiếp khách. Lớp dưa kiệu mẹ cắt gọn gàng từ tuần trước, đang được phơi qua lớp nắng để khi vào chum có độ dai, giòn, thơm của nắng.
Năm nào mẹ cũng làm mấy hũ lớn, để Tâm mang theo mỗi khi hết Tết. Lúc thịt mỡ đã ngán, bánh chưng bánh tét đầy hông thì hũ dưa kiệu là thức ăn thường xuyên của Tâm mỗi khi tan làm.
Bàn tay mẹ khéo, lúc nào cũng làm được những hũ dưa kiệu trắng tươi, thơm phưng phức. Để vào tủ lạnh bảo quản, quanh năm không bị hư hỏng. Những lúc làm ca về khuya, dưa kiệu là món ngon của Tâm, chống đỡ những ngày cuối tháng “hết lương”.
* * *
- Cô Tâm, bán cho tôi mười trái bưởi về trưng Tết coi!
Ôi, cái giọng ai nghe quen quen. Tâm ngẩng đầu lên, bàn tay anh vừa để xuống thúng bưởi, giả vờ chọn chọn. Cô ngạc nhiên, e thẹn và đầy bất ngờ:
- Ủa, ủa, sao anh tìm đường về được đến đây?
- Dễ mà, đường ở trên miệng này em.
Các bác hàng xóm nhìn qua, hỏi han khí thế:
- Chu choa, người yêu cô Tâm đây sao, cao to đẹp trai quá!
- Bao giờ cưới Tâm ơi, cho các bác qua ăn trầu nào?
Tiếng hỏi thăm xôn xao cả một góc chợ, Tâm bẽn lẽn không dám nhìn lên. Cô không nghĩ anh lại về quê cô một cách đầy bất ngờ và thú vị như vậy. Những gì cô lo lắng trong thời gian qua dường như được dẹp bỏ. Anh cúi xuống, đỡ gánh hàng cho Tâm, đôi trẻ chào các bác, các cô ở chợ rồi bán rẻ nốt mấy trái bưởi về nhà sớm.
* * *
Nắng Đông lành lạnh tràn lên ngôi nhà ngói ba gian, mẹ vừa bước chân khỏi vườn, đang lúi húi rửa mấy nhánh tỏi tươi, xà lách chuẩn bị bữa cơm trưa. Tiếng cổng kẽo kẹt mở, bà nheo đôi mắt nhìn ra. Ai như con bé Tâm đã về, sao lại có thêm bóng dáng người đi sau. Ngoại quát con vàng khi nó sủa inh ỏi, chạy thục mạng ra ngoài cổng khi đánh hơi thấy người lạ vào nhà.
Có tiếng bác Thành hàng xóm vọng sang:
- Trời ơi, trai đẹp nào ghé nhà kìa bà Nhàn ơi, Tết này tha hồ vui nhé!
Mẹ bỏ dở rổ rau, chạy ngay ra cổng. Tiếng bà mắng yêu:
- Tổ cha bây, sao về tới đây rồi mà không nói, vào nhà, vào nhà đi con. Ngoài này gió lạnh lắm. Tết ở lại đây hết ba ngày Tết nhen, rồi đưa bé Tâm sang nhà bên đó ra mắt luôn. Ở đây ăn Tết một năm để biết Tết quê nó như thế nào nhé!
Anh vội vàng chào hỏi mẹ Tâm. Lần đầu tiên về với ngôi nhà người yêu, giữa khoảng vườn rộng mênh mông, mớ rau xanh và gió reo vi vu, anh thấy lòng mình ấm áp đến lạ. Những gì Tâm kể về mẹ, về quê nhà giờ đây hiển hiện trước mắt, có lẽ anh đã yêu mến nơi này ngay từ lúc bước chân đến cổng.
Ngôi nhà giản dị, ánh mắt hiền hậu của mẹ Tâm khiến anh thấy mình được an ủi phần nào. Mặc dù trước lúc xin phép ba mẹ về nơi này, anh đã không ít lần phải năn nỉ, ỉ ôi và thậm chí làm căng lên vì thái độ hờ hững của họ.
Nhưng có lẽ anh đã “đúng” khi xác định chọn Tâm làm bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình. Những ngày cận kề Tết, anh chỉ muốn được về quê Tâm, ngồi trên mảnh chiếu rộng, tập tành gói những chiếc bánh chưng, bánh tét, đón chờ những tươi vui của mùa Xuân.
Bà ngoại nghe tiếng râm ran ngoài cổng, lích kích chống gậy đi ra. Tết đến, Xuân về cùng nụ cười nở trên gương mặt những người phụ nữ. Tâm nhìn qua anh, thấy lòng mình phơi phới rộn ràng...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-xuan-ve-post717101.html