Bắt đầu chở hàng nông sản bằng tàu cao tốc cung cấp cho người dân thành phố Hồ Chí Minh

Sáng 19-7, hai tàu cao tốc Greenlines DP đã xuất bến từ thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang chở lương thực thiết yếu về thành phố. Cùng ngày, sẽ có 2 trong tổng số 5 tàu cao tốc được chạy, chở 20 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phía Nam đến thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 19-7, sẽ có 2 tàu cao tốc Greenlines DP đi Tiền Giang chở lương thực thiết yếu về thành phố Hồ Chí Minh.

Phương án vận chuyển này được Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh phối hợp doanh nghiệp và các cơ quan liên quan triển khai, nhằm kịp thời đưa hàng hóa thiết yếu khi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP cho biết, dự kiến mỗi chuyến tàu sẽ vận chuyển được 20 tấn hàng hóa thiết yếu.

“Trong ngày hôm nay sẽ có khoảng 40 tấn hàng được đưa về thành phố Hồ Chí Minh phục vụ người dân. Chi phí vận chuyển do Công ty TNHH Công nghệ xanh DP thỏa thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa”, ông Hải thông tin.

Đây là những tấn nông sản đầu tiên dùng “luồng xanh” đường thủy ở phía Nam nhằm giảm tải cho “luồng xanh” đường bộ, tăng cường nông sản cho thị trường thành phố và tránh đứt gãy chuỗi cùng ứng hàng hóa trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, trong hôm nay, điểm tập kết hàng hóa, nông sản… cho tàu cao tốc bốc dỡ hàng sẽ đặt tạm ở bến phà Rạch Miễu (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Theo kế hoạch, dự kiến cách 2 ngày tùy theo nhu cầu thị trường, tàu cao tốc Greenlines DP sẽ đến Tiền Giang để thu mua hàng nông sản vận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh.

Dự kiến khoảng 2 đến 3 ngày tới, sau khi các lái tàu, thuyền viên quen đường thì sẽ cho tàu cao tốc chạy cả đêm và mở rộng luồng hàng tới tất cả các địa phương: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bình Dương, Tây Ninh…

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho hay, trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, công tác lưu thông sẽ bị hạn chế. Do đó, đường thủy là một kênh vận chuyển mới giúp các phương tiện được lưu thông thuận lợi.

“Thời gian tàu cao tốc đi trên đường sông sẽ nhanh hơn, không phải đi qua các trạm kiểm soát dịch. Tuy nhiên, tàu cao tốc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về đường thủy, bảo đảm thời gian chính xác và hàng hóa được tươi sống hơn, từ đó bảo đảm chất lượng cho người dân”, ông An nêu rõ.

Để bảo đảm phòng, chống dịch, thuyền viên và lái tàu phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được lên tàu. Lực lượng trên sẽ ở trên tàu, không tiếp xúc với người dân ở địa phương.

Ngoài tổ chức phương án vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, trước đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai "luồng xanh" cho xe chở hàng thiết yếu, công nhân, chuyên gia... ra - vào thành phố khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 9-7-2021. Việc này nhằm không đứt mạch cung ứng, sản xuất hàng hóa tại thành phố và Vùng kinh tế phía Nam.

Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1006179/bat-dau-cho-hang-nong-san-bang-tau-cao-toc-cung-cap-cho-nguoi-dan-thanh-pho-ho-chi-minh