Bất động sản Buôn Ma Thuột 'nóng' lên sau thông tin sáp nhập tỉnh

Sau khi có thông tin về việc sáp nhập tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên, dự kiến thực hiện trước ngày 1/7, và trung tâm hành chính tỉnh mới sẽ đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, thời gian qua, thị trường bất động sản tại khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

Giá đất “leo thang”, giao dịch nhà đất tăng đột biến, cùng với nhu cầu làm thủ tục đất đai của người dân tăng cao, đã dẫn đến tình trạng quá tải tại một số chi nhánh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đất đai.

Những ngày này, tại Khu đô thị Ân Phú, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, hàng chục “cò đất” đổ về giao dịch mua – bán, khiến giá đất tăng theo từng ngày. Hai tháng trước, một lô đất rộng 100 m² tại đây được rao bán khoảng 2 tỷ đồng, thì nay lên tới 2,5 tỷ đồng. Không chỉ đất tại các khu đô thị tăng mạnh, mà đất nền ở nhiều phường, xã và khu vực lân cận thành phố Buôn Ma Thuột cũng ghi nhận mức giá tăng từ 15–20%.

Bà Phạm Thị Thanh, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, cho biết con trai và con dâu bà đang công tác trong các cơ quan nhà nước tại tỉnh Phú Yên. Nếu hai tỉnh sáp nhập, các con nhiều khả năng phải chuyển về Buôn Ma Thuột làm việc và sinh sống, nên gia đình đang gấp rút tìm mua đất để chuẩn bị xây nhà.

Người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đổ xô đến bộ phận một cửa Chi nhánh văn phòng đất đai thành phố thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đổ xô đến bộ phận một cửa Chi nhánh văn phòng đất đai thành phố thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Theo bà Thanh: “Nghe phong phanh là sáp nhập tỉnh cách đây 2 tháng, tôi lên một khu đô thị ở Đắk Lắk hỏi lô 100 m2 thì họ đòi 2 tỷ đồng, lưỡng lự không mua. Nhưng giờ nghe chính thức Đắk Lắk nhập với Phú Yên thì tôi lên hỏi lại, họ đòi 2,6 tỷ đồng. Giá tăng cao quá, nhưng tâm lý cán bộ ở Phú Yên muốn an cư thì phải mua cho các cháu xây nhà. Chắc tôi sẽ cố gắng mua vậy, không nhỡ đất lại tiếp tục tăng".

Ông Phan Thái Bình, Giám đốc một công ty bất động sản ở Buôn Ma Thuột cho biết, với 100 nhân viên kinh doanh, trung bình mỗi ngày công ty giao dịch thành công từ 15–20 hợp đồng mua bán nhà đất. So với giai đoạn trầm lắng vào cuối năm 2022, thì đây là mức giao dịch khá tốt.

“Nhìn chung, thị trường bất động sản ở Đắk Lắk đang có chiều hướng khởi sắc hơn nhiều so với trước đây. Nhu cầu thực tế gia tăng, một phần do việc bỏ cấp huyện, cán bộ được điều về xã, một số khác di chuyển lên Buôn Ma Thuột công tác. Bên cạnh đó, nhiều người lớn tuổi về hưu cũng muốn về Buôn Ma Thuột sinh sống. Ngoài ra, sau thông tin sáp nhập tỉnh, trước đây đã có khách từ Đắk Nông lên mua, hiện nay tiếp tục có thêm khách từ Phú Yên. Họ đều là những người có nhu cầu mua thật, ở thật" - ông Bình chia sẻ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Chi nhánh văn phòng đất đai huyện Cư M'gar.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Chi nhánh văn phòng đất đai huyện Cư M'gar.

Thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai – Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho thấy, trong quý 1 năm 2025, các chi nhánh thuộc đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 74.265 hồ sơ liên quan đến thủ tục đất đai, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2024.

Ông Hoàng Xuân Phương, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký đất đai xác nhận, lượng hồ sơ tăng đột biến đã khiến nhiều thời điểm tại các bộ phận một cửa ở thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar rơi vào tình trạng quá tải. Trước áp lực này, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân.

Nhiều khu đô thị ở thành phố Buôn Ma Thuột sôi động hoạt động mua - bán đất nền, nhà ở liền kề.

Nhiều khu đô thị ở thành phố Buôn Ma Thuột sôi động hoạt động mua - bán đất nền, nhà ở liền kề.

Theo ông Phương: “Văn phòng Đăng ký đất đai đã chỉ đạo các chi nhánh tăng cường thêm quầy tiếp nhận hồ sơ và kéo dài thời gian tiếp nhận nhằm hỗ trợ người dân, tránh để họ phải chờ đợi quá lâu. Ngoài ra, từ ngày 1/4, chúng tôi triển khai mô hình liên thông trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan thuế và văn phòng công chứng, giúp thực hiện các quy trình online. Bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả tích cực, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt cao".

Thị trường bất động sản “tăng trưởng nóng” tại Buôn Ma Thuột những ngày qua là phản ứng tất yếu của thị trường trước thông tin sáp nhập tỉnh, và nơi đây được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Đắk Lắk mới. Cùng với số lượng lớn cán bộ, công chức di chuyển về vùng trung tâm, Buôn Ma Thuột, với vị thế mới sẽ thu hút ngày càng đông các hộ gia đình, tổ chức và doanh nghiệp.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/bat-dong-san-buon-ma-thuot-nong-len-sau-thong-tin-sap-nhap-tinh-post1193530.vov