Bất động sản chữa lành cần điểm tựa pháp lý để vươn cao

Sức khỏe tinh thần trở thành giá trị sống mới, kéo theo sự lên ngôi của loại hình 'bất động sản chữa lành'…

 Chưa có quy định pháp lý về dự án bất động sản chữa lành

Chưa có quy định pháp lý về dự án bất động sản chữa lành

Khi nhu cầu tìm kiếm không gian sống gắn với thiên nhiên, sự an yên và cân bằng ngày càng được coi trọng, nhiều dự án bất động sản đã nhanh chóng khoác lên mình nhãn mác “chữa lành”. Tuy nhiên, giữa làn sóng marketing rầm rộ và hành lang pháp lý còn bỏ ngỏ, người mua liệu có đang đánh cược niềm tin vào một khái niệm chưa được định danh?

Để làm rõ hơn nội dung này, Tạp chí Thương gia đã có cuộc trao đổi với ThS. Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự. Theo luật sư, khái niệm “bất động sản chữa lành” hiện vẫn chưa được pháp luật Việt Nam công nhận hay định nghĩa chính thức. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng dễ rơi vào “ma trận” quảng cáo mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý khi các tiện ích cam kết không được thực hiện đúng như giới thiệu.

Hiện nay khái niệm “bất động sản chữa lành” hay “kiến trúc trị liệu” đang được nhiều chủ đầu tư sử dụng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khi pháp luật chưa quyđịnh rõ ràng, liệu việc này có thể tạo ra “khoảng xám pháp lý” khiến khách hàng, nhà đầu tư rơi vào thế bất lợi nếu tiện ích không được triển khai đúng cam kết?

Hiện nay, “chữa lành” trở thành xu hướng phổ biến, phản ánh nhu cầu ngày càng lớn của con người về sức khỏe tinh thần và chất lượng sống. Tận dụng xu hướng này, nhiều chủ đầu tư bất động sản sử dụng các khái niệm như “bất động sản chữa lành” hay “kiến trúc trị liệu” như một chiến lược marketing.

Song, nếu những tiện ích này không được triển khai đúng cam kết, hành vi đó có thể bị xem là quảng cáo sai sự thật, vi phạm Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018). Cụ thể, khoản 9 Điều 8 nghiêm cấm hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn về khả năng cung cấp dịch vụ. Nếu vi phạm, chủ đầu tư có thể bị xử phạt hành chính từ 60 - 80 triệu đồng theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, đồng thời phải bồi thường thiệt hại nếu thông tin quảng cáo là cơ sở ký kết hợp đồng.

Dù vậy, “bất động sản chữa lành” và “kiến trúc trị liệu” hiện chỉ là các thuật ngữ truyền miệng, chưa được định nghĩa chính thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Do đó, không có tiêu chí hay quy chuẩn pháp lý cụ thể để xác định một dự án “chữa lành” là đạt chuẩn. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm chứng, đánh giá chất lượng và có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu nại nếu tiện ích không như kỳ vọng.

Vì vậy, dù pháp luật đã có chế tài xử lý quảng cáo sai, nhưng việc thiếu quy định cụ thể về “bất động sản chữa lành” tạo ra một khoảng trống pháp lý. Để hạn chế rủi ro, khách hàng và nhà đầu tư nên yêu cầu chủ đầu tư cam kết rõ ràng trong hợp đồng về tiêu chí, tiện ích đi kèm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với xu thế này nhằm bảo vệ quyền lợi các bên và hạn chế tranh chấp phát sinh.

Việc tích hợp các tiện ích như thiền định, trị liệu bằng thảo dược, detox, spa vốn liên quan đến chăm sóc sức khỏecó bị quản lý như ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc phải xin giấy phép hành nghề y dược hay chăm sóc sức khỏe theo quy định nào không?

Việc tích hợp các tiện ích như thiền định, trị liệu bằng thảo dược, detox, spa vào mô hình “bất động sản chữa lành” thể hiện sự kết hợp giữa lĩnh vực bất động sản, kiến trúc và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm mang lại trải nghiệm sống nâng cao cho cư dân và khách hàng. Đây là những tiện ích chủ yếu mang tính hỗ trợ sức khỏe, thư giãn và làm đẹp, khác biệt với hoạt động khám chữa bệnh theo y học chính thống.

Theo quy định pháp luật hiện hành, các hoạt động khám chữa bệnh, sử dụng thuốc hoặc thiết bị y tế chuyên môn bắt buộc phải xin giấy phép hành nghề y dược và đăng ký cơ sở khám chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Nên các dịch vụ như spa, thiền định, detox hay trị liệu thảo dược nếu chỉ mang tính chăm sóc sức khỏe, thư giãn thông thường thì không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về y tế và do đó không phải xin giấy phép hành nghề y dược.

 ThS. Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự

ThS. Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự

Về mặt xây dựng và kiến trúc, các hạng mục tiện ích này khi tích hợp trong dự án bất động sản phải tuân thủ quy định của Luật Xây dựng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn quy hoạch, an toàn phòng cháy chữa cháy và các quy chuẩn liên quan.

Ở mặt kinh doanh dịch vụ, chủ đầu tư hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ cần đăng ký ngành nghề phù hợp theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc quảng bá các tiện ích này cũng phải đảm bảo tính trung thực, không gây hiểu nhầm về khả năng chữa bệnh hoặc tác dụng y tế, nhằm tránh vi phạm Luật Quảng cáo.

Với tốc độ phát triển hiện nay, nếu không có khung pháp lý rõ ràng, liệu cụm từ “bất động sản chữa lành” có trở thành chiêu trò đánh bóng thương hiệu mà không mang lại giá trị thực cho người mua? Theo ông, có cần một khung pháp lý riêng để bảo vệ người mua trong xu hướng bất động sản theo trải nghiệm như hiện nay?

Trước hết, với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản hiện nay, các chủ đầu tư sẽ sử dụng những xu hướng thuật ngữ mới lạ như “bất động sản chữa lành”, “kiến trúc trị liệu” trong hoạt động marketing của mình để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, khi chưa có một khung pháp lý rõ ràng, cụ thể để định nghĩa, quy chuẩn và kiểm soát việc sử dụng những thuật ngữ này, rất có thể chúng sẽ trở thành chiêu trò marketing để đánh bóng thương hiệu mà không thật sự mang lại giá trị cho người mua.

Điều này tạo ra rủi ro lớn khi khách hàng bỏ tiền mua sản phẩm nhưng không nhận được những tiện ích, trải nghiệm đúng như cam kết, ảnh hưởng đến niềm tin và uy tín của thị trường bất động sản nói chung.

Việc xây dựng một khung pháp lý riêng dành cho loại hình bất động sản theo trải nghiệm như “bất động sản chữa lành” là phù hợp với xu thế xã hội. Bởi lẽ “bất động sản chữa lành” là loại hình bất động sản dựa trên trải nghiệm, sự đánh giá chủ quan cá nhân của từng khách hàng nên mỗi người sẽ có một tiêu chuẩn khác nhau về tiêu chí “chữa lành”. Một khung pháp lý đầy đủ và minh bạch là cần thiết để giúp định nghĩa chính xác các thuật ngữ, tiêu chuẩn kỹ thuật và các tiện ích liên quan đến sức khỏe, kiến trúc trị liệu.

Đồng thời, nó cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc minh bạch thông tin, thực hiện đúng các cam kết về tiện ích đi kèm dự án. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người mua mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, chuyên nghiệp của thị trường bất động sản mới mẻ này.

 Cần có những quy định pháp lý để kiểm định các tiện ích, dịch vụ đi kèm trong dự án bất động sản chữa lành

Cần có những quy định pháp lý để kiểm định các tiện ích, dịch vụ đi kèm trong dự án bất động sản chữa lành

Ngoài ra, một khung pháp lý cụ thể còn cần quy định rõ các tiêu chí, quy trình thẩm định, kiểm định các tiện ích và dịch vụ đi kèm, cũng như chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm, quảng cáo sai lệch hoặc không thực hiện đúng cam kết.

Từ đó, sẽ tạo dựng niềm tin, bảo vệ khách hàng khỏi các rủi ro và giúp các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra hiệu quả hơn. Đây chính là yếu tố then chốt để loại bỏ những chiêu trò và phát triển thị trường theo hướng minh bạch, bền vững.

Việc gắn nhãn bất động sản chữa lành có nên được kiểm định bởi một cơ quan độc lập, tương tự như cấp chứng chỉ xanh LEED hay ESG hiện nay không?

Việc gắn nhãn “bất động sản chữa lành” cho các dự án bất động sản hiện nay nên được xem xét và quản lý thông qua quy trình kiểm định, đánh giá bởi một cơ quan độc lập, tương tự như các chứng chỉ xanh LEED hay ESG đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam.

Khi được cấp chứng chỉ, bất động sản chữa lành sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch và chuẩn mực trong việc đánh giá các tiêu chí về sức khỏe, môi trường sống, kiến trúc trị liệu cũng như các tiện ích liên quan đến “chữa lành” mà dự án cam kết mang lại.

Một cơ quan kiểm định độc lập sẽ giúp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí đánh giá rõ ràng, đồng bộ, từ đó bảo vệ quyền lợi người mua, tăng uy tín cho chủ đầu tư và nâng cao chất lượng thị trường bất động sản theo hướng bền vững, chuyên nghiệp. Đồng thời, việc có chứng nhận kiểm định chính thức sẽ tạo niềm tin cho khách hàng, giúp họ phân biệt được các dự án thực sự có giá trị “chữa lành” so với những dự án chỉ dùng thuật ngữ này như chiêu thức marketing.

Do đó, việc xây dựng và áp dụng một hệ thống kiểm định, chứng nhận độc lập là giải pháp hiệu quả và cần thiết trong bối cảnh thị trường “bất động sản chữa lành” đang phát triển nhanh và còn nhiều khoảng trống pháp lý như hiện nay.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Mỹ Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/bat-dong-san-chua-lanh-can-diem-tua-phap-ly-de-vuon-cao-post560238.html