Bất động sản dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của Techcombank
Năm 2023, tín dụng cả năm của Techcombank tăng 21,5% so với đầu kỳ, trong đó tăng trưởng cho vay riêng của ngân hàng mẹ là 19,2%.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân – cập nhật kết quả kinh doanh quý IV và năm 2023, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp và Định chế tài chính của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Techcombank cho rằng, năm 2023 kết thúc với nhiều “làn gió ngược”, nhiều sự kiện xảy ra như biến động của thị trường trái phiếu, bất động sản, bất ổn của kinh tế thế giới kéo dài…
Dù vậy Techcombank vẫn đạt được kết quả năm 2023 tốt hơn mục tiêu ban đầu. Thông tin cụ thể về kết quả nổi bật trong kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý IV và năm 2023, bà Lê Thanh Hằng - Cố vấn Quan hệ Nhà đầu tư Techombank cho biết, tín dụng cả năm của ngân hàng tăng 21,5% so với đầu kỳ, trong đó tăng trưởng cho vay riêng của ngân hàng mẹ là 19,2%. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp duy trì ở quy mô nhỏ.
Bà Hằng nhấn mạnh, tính chung cả năm, tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng của Techcombank. Trong đó, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng… tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt.
Theo bà Hằng, điều này là phù hợp với xu hướng chung của toàn ngành cũng như của các ngân hàng khác, đồng thời là thế mạnh truyền thống của Techcombank.
Đồng thời, lĩnh vực khác như phụ tùng ô tô, du lịch… cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ khi tăng tỉ trọng từ 10% trong năm 2022 lên 15%.
Cho vay khách hàng cá nhân gần như đi ngang với do diễn biến thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án mở bán mới vẫn còn hạn chế và nhu cầu khách hàng cá nhân trả trước các khoản vay dài hạn vẫn còn khá nhiều thì mảng cho vay mua nhà không tăng trưởng tích cực.
Theo đó, tỉ trọng cho vay mua nhà giảm từ 87% trong năm 2022 về mức 77%. Tuy nhiên, tăng trưởng vay mua nhà thứ cấp hơn 40% so với đầu năm.
Khi được nhà đầu tư cá nhân đưa ra câu hỏi về việc cho vay tập trung vào bất động sản có an toàn hay không trong thời điểm bất động sản đang rủi ro như hiện tại, bà lÊ thanh Hằng cho rằng, ngành nào cũng có chu kỳ kinh doanh. Khi đến chu kỳ giảm của ngành, nhà đầu tư thường coi đó là rủi ro.
Tuy nhiên, đối với Techcombank, ngân hàng luôn có khẩu vị rủi ro chặt chẽ. Không phải dự án nào cũng cho vay mà luôn lựa chọn đúng dự án bắt tay với đối tác có năng lực.
Đối với cho vay bất động sản khách hàng cá nhân, không có rủi ro liên quan đến ngành mà thay vào đó là rủi ro từ thu nhập của họ có đáp ứng đủ để trả khoản vay hay không. “Những khách hàng đi vay làm việc trong đủ lĩnh vực, ngành nghề. Chính vì vậy, khoản cho vay bất động sản khách hàng cá nhân gắn với rủi ro chung của ngành kinh tế chứ không riêng bất động sản”, bà Hằng nêu quan điểm.
Thông tin về định hướng của ngân hàng trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ Techcombank cho biết, trong năm 2024, Techcombank sẽ đẩy mạnh cho vay mua nhà do với định hướng của chính phủ về đô thị hóa, nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh sẽ rất lớn.
Bên cạnh đó, đối với bất động sản khu công nghiệp, trong bối cảnh Thông tư 22 của Ngân hàng nhà nước chuẩn bị có hiệu lực vào 1/7 tới đây, ông Phùng Quang Hưng cho biết, Techcombank cũng sẽ tập trung vào mở rộng phân khúc cho vay bất động sản khu công nghiệp trong năm 2024. Ông cũng thông tin thêm, ngân hàng đã đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi thị phần trong mảng này.
Thông tư 02 không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Techcombank
Thông tin thêm về những kết quả đạt được, ông Hưng cho biết, kết thúc năm 2023, tỉ lệ nợ xấu tử Techcombank đã giảm xuống mức 1,19% so với 1,4% trong quý III và gần như không có nợ xấu ở mảng cho vay doanh nghiệp. Đồng thời đạt được mục tiêu đề ra về tỉ lệ nợ xấu là dưới 1,5%. Tỉ lệ nợ nhóm 2 là 0,9%, tiếp tục giảm so với tỉ lệ 1,3% hồi quý III.
Khi được đặt ra vấn đề về Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực trong thời gian sắp tới làm tăng nợ xấu hay không, bà Hằng cho biết, hiện dư nợ của Techcombank vẫn được duy trì dưới 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng thường xuyên giữ kết nối chặt chẽ với khách hàng để tìm hiểu tình hình tài chính, triển vọng hoạt động rủi ro của khách hàng để đánh giá rủi ro danh mục.
Theo bà Hằng, với những nỗ lực trên của ngân hàng, việc rủi ro chuyển nợ xấu là rất thấp. Đồng thời, tại thời điểm cuối năm 2023, Techcombank đã tích lập dự phòng ở mức 100% cho toàn bộ khoản dư nợ trong khi Thông tư 02 chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu 50%.
“Nếu Thông tư 02 không được gia hạn tiếp cũng không ảnh hưởng đến chất lượng tài sản cũng như hiệu quả hoạt động của Techcombank”, bà Hằng khẳng định.
Nói về những triển vọng của Techcombank trong năm 2024, bà Hằng đưa ra kỳ vọng, tỉ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt ở mức hiện tại.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ theo hạn mức của ngân hàng nhà nước. Chi phí vốn được kỳ vọng tiếp tục giảm nhờ nền lãi suất thấp và tối ưu cấu trúc nguồn vốn.
Tỉ lệ Casa sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ các nỗ lực thu hút tài khoản giao dịch chính. Chi phí vốn được cải thiện nhưng hiệu suất sinh lời của tài sản vẫn chịu áp lực của các chương trình hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng NII sẽ cải thiện khi danh mục tín dụng tiếp tục mở rộng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được cải thiện. Chi phí tín dụng có xu hướng giảm nhẹ khi ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng và duy trì ổn định tỉ lệ nợ xấu.