Bất động sản mới nhất: đất nền cắt lỗ đến 40% vẫn khó thanh khoản, 4 phương pháp định giá đất mới nhất
Chính phủ ban hành quy định mới về định giá đất, thị trường tuột dốc, có được chuyển nhượng đất đã có thông báo thu hồi?… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Chính phủ ban hành quy định mới về định giá đất
Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về giá đất. Bốn phương pháp định giá đất bao gồm:
Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng, tương đồng nhất định với thửa đất đã chuyển nhượng trên thị trường hoặc trúng đấu giá đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cách làm là phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất, để xác định giá thửa đất.
Chính phủ quy định phương pháp so sánh được áp dụng khi có tối thiểu 3 thửa đất cùng mục đích sử dụng và có yếu tố tương đồng nhất định.
Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân bằng tiền Việt Nam, kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng thương mại. Điều kiện là các ngân hàng này do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Thời gian tính lãi suất bình quân là 3 năm liền kề, tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá.
Phương pháp này để định giá thửa đất, khu đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải là đất ở mà không đủ điều kiện áp dụng phương pháp so sánh.
Phương pháp thặng dư là lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình). Cách này dùng để định giá thửa đất thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện áp dụng so sánh, thu nhập nhưng ước tính được tổng doanh thu phát triển và tổng chi phí phát triển của dự án.
Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh. Hệ số điều chỉnh do các tỉnh thành ban hành, thông qua so sánh với giá đất phổ biến trên thị trường.
So với quy định từ năm 2014, Chính phủ đã bỏ phương pháp chiết trừ định giá đất để phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua giữa tháng 1.
Nghị định mới quy định UBND cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ quyết định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp tổ chức xác định giá đất cụ thể.
Thị trường đất nền tuột dốc
Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), thị trường đất nền không còn tình trạng "sốt nóng" như thời kỳ trước. Các sản phẩm đất nền trải qua nhiều nhịp giảm giá, cắt lỗ đến 30-40% nhưng vẫn khó thanh khoản.
Còn theo báo cáo diễn biến thị trường đất nền mới đây của Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, nguồn cung thứ cấp đất nền trong năm 2023 giảm nhiều so với năm trước.
Trong đó, nguồn cung thứ cấp đất nền dự án năm 2023 so với năm 2022 tại Hà Nội giảm khoảng 46,4%, TPHCM giảm 56,3%, Đà Nẵng giảm 44,5%, Bình Dương giảm khoảng 45,3%, Hải Phòng giảm khoảng 58,6%.
Bên cạnh đó, tình hình giao dịch đất nền trong năm 2023 cũng trầm lắng. Lượng giao dịch thứ cấp đất nền dự án tại Hà Nội giảm khoảng 45,4%, TPHCM giảm 60,1%, Đà Nẵng giảm 49,4%, Bình Dương giảm 48,1%, Hải Phòng giảm 30,3%, Đồng Nai giảm 59,4%.
Giá giao dịch thứ cấp đất nền trong năm 2023 có xu hướng giảm khoảng 10-15% so với năm 2022 và giảm nhiều ở một số địa phương như Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TPHCM.
Cũng theo báo cáo trên của Viện Kinh tế xây dựng, việc tổ chức các đợt đấu giá đất nền dự án đã triển khai trở lại tại nhiều địa phương vào quý cuối năm 2023. Tuy giá trúng đấu giá cũng không có nhiều chênh lệch so với giá khởi điểm nhưng đây cũng được coi là tín hiệu tích cực cho thị trường khi sức mua đã có dấu hiệu cải thiện.
Báo cáo thị trường của một đơn vị nghiên cứu cho biết, thị trường đất nền ghi nhận sụt giảm nhu cầu tìm kiếm mạnh trong năm 2023. Cụ thể, lượng tìm mua đất nền năm 2023 giảm 45% so với năm 2022, nhất là đất nền dự án. Nếu so với giai đoạn cao điểm "sốt đất" tháng 3/2022, đất nền các tỉnh phía Nam giảm 71%.
Khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn và niềm tin vào chủ đầu tư được cho là những rào cản nhất định trong quyết định sở hữu BĐS của khách hàng. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức giảm 10-13% so với năm 2022, giá bán thứ cấp ghi nhận mức giảm 15-30%, mức giảm ở nhóm khách hàng sử dụng vốn vay, dự án có quy mô lớn chưa hoàn thiện hạ tầng - pháp lý.
Dù có diễn biến ảm đạm nhưng theo Viện Kinh tế xây dựng, tình hình giao dịch dự báo vẫn chưa thể sôi động. Khả năng thanh khoản thấp trong năm 2023 và tâm lý của nhà đầu tư vẫn cẩn trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư khiến cho thị trường đất nền 2024 vẫn cần thêm thời gian để hồi phục.
Quy định siết chặt hoạt động phân lô bán nền của Luật Kinh doanh BĐS mới có thể tác động tới nguồn cung, tâm lý người mua và giá cả của phân khúc này trong thời gian tới. Nhu cầu mua và giá giao dịch đối với các lô đất có diện tích lớn dự báo tiếp tục giảm.
Ngược lại, đối với các lô đất có diện tích nhỏ tính thanh khoản sẽ cải thiện hơn và giá giao dịch thứ cấp có thể tăng nhẹ so với năm 2023.
Cũng nhận định về thị trường đất nền, VARS dự báo nguồn cung phân khúc này sẽ khan hiếm trong năm 2024 khi mà các chính sách Luật mới có thể thay đổi cuộc chơi ở thị trường này. Sự khan hiếm nguồn cung có thể đẩy giá bán đất nền tăng khoảng 5-7% so với năm 2023 tại các đô thị lớn. Còn các khu vực phát triển, hạ tầng bài bản có xu hướng đi ngang.
Theo khảo sát cuối năm 2023 của một Trung tâm nghiên cứu thị trường, trong số 63% người có nhu cầu BĐS trong năm 2024, hầu hết những người có nhu cầu về BĐS đều quan tâm tới căn hộ chung cư, đất nền và nhà đất thổ cư.
Một khảo sát tâm lý người mua nhà được một đơn vị nghiên cứu thực hiện cuối năm 2023 cho thấy đất nền dẫn đầu về loại hình BĐS được quan tâm và có tỷ lệ chờ bắt đáy cao. Thực tế trên cho thấy đất nền vẫn là sản phẩm được thị trường chào đón. Tuy nhiên thị trường đất nền dự báo còn gian nan trong năm 2024, khi tâm lý đầu tư vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Kiến nghị giải quyết các vướng mắc pháp lý trong Thông tư 22
Theo Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), dù bước đầu đã giúp cho người mua nhà ở hình thành trong tương lai yên tâm hơn nhưng vướng mắc pháp lý của Thông tư 22/2023/TT-NHNN vẫn còn đó.
HoREA vừa có Văn bản số 23/2024/CV- HoREA về việc hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, các quy định tại Thông tư 22/2023/TT-NHNN không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai, không trái với các quy định hiện hành.
Theo đó, Hiệp hội rất hoan nghênh NHNN đã gửi “Một số thông tin liên quan đến quy định về tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” khẳng định, không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai, không trái với các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, theo ý kiến của HoREA, dù bước đầu đã giúp cho người mua nhà ở hình thành trong tương lai yên tâm hơn nhưng Thông tư 22/2023/TT-NHNN vẫn còn những vướng mắc pháp lý.
Cụ thể, tại Điểm a khoản 11 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2023/TT-NHNN) chỉ đưa ra quy định áp dụng đối với trường hợp nhà ở thương mại “đã được hoàn thành để bàn giao”, tức là nhà ở thương mại “có sẵn” nhưng chưa bao gồm trường hợp vay tín dụng để mua nhà ở thương mại “chưa được hoàn thành để bàn giao”, tức là nhà ở thương mại “hình thành trong tương lai”.
Theo HoREA, khái niệm “nhà đã được hoàn thành để bàn giao” không thể được diễn giải là bao gồm cả “nhà ở hình thành trong tương lai” để được các ngân hàng thương mại (NHTM) chấp nhận làm tài sản thế chấp vay vốn để mua chính căn nhà đó.
Hơn nữa, thông báo của NHNN xác nhận “Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không phải là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD)”.
Nhưng trên thực tế thì trong Thông tư 41 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2023/TT-NHNN) lại chứa quy phạm pháp luật không liên quan đến “quy định về tỷ lệ an toàn vốn của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, mà lại liên quan đến “nghiệp vụ cấp tín dụng của TCTD”.
Cụ thể, khoản 11 Điều 2 quy định về “khoản cho vay bảo đảm bằng BĐS đối với cá nhân để mua nhà đáp ứng các điều kiện”, tương tự quy định tại các thông tư của NHNN “hướng dẫn nghiệp vụ cấp tín dụng của TCTD”.
HoREA cho rằng, nếu Thông tư 41 chỉ quy định “về tỷ lệ an toàn vốn của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” thì không cần thiết phải có quy phạm pháp luật quy định về “các điều kiện” của “khoản cho vay thế chấp nhà là khoản cho vay bảo đảm bằng BĐS đối với cá nhân để mua nhà” tại khoản 11 Điều 2 vì đã có các thông tư của NHNN hướng dẫn nghiệp vụ cấp tín dụng của TCTD”.
Cùng với đó, theo Hiệp hội, văn bản “Một số thông tin liên quan đến quy định về tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” mới đây của NHNN không phải là văn bản quy phạm pháp luật như các thông tư nên chỉ có giá trị về cung cấp thông tin.
Trong khi đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải căn cứ vào Luật các TCTD và Thông tư của NHNN để thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng.
Trước những vướng mắc trên, Hiệp hội cho biết, cần sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2023/TT-NHNN để hỗ trợ thị trường BĐS trong tiến trình phục hồi và phát triển.
Có được chuyển nhượng đất đã có thông báo thu hồi?
Nhiều người thắc mắc, đất đã có thông báo thu hồi nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, các bên giao dịch biết nhưng vẫn tự nguyện tiến hành thực hiện giao dịch thì có được phép chuyển nhượng và thực hiện đăng ký đất đai hay không và tại sao?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Pháp luật về đất đai hiện hành không có quy định cụ thể về trường hợp có thông báo thu hồi đất thì được hay không được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, theo đó Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định trước khi thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính; người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Không thực hiện việc cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.