Bất đồng về cách thức tài trợ bảo tồn thiên nhiên vẫn bủa vây Hội nghị COP16

Sắp đến thời điểm kết thúc các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Đa dạng sinh học (COP16) tại thành phố Cali, Colombia, song các nước vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về cách thức tốt nhất để hỗ trợ tài chính nhằm đảo ngược sự tàn phá nghiêm trọng mà con người gây ra đối với đa dạng sinh học.

Bướm chúa trong khu rừng Oyamel ở Angangueo, bang Michoacan, Mexico. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bướm chúa trong khu rừng Oyamel ở Angangueo, bang Michoacan, Mexico. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hội nghị COP16, khai mạc ngày 21/10, nhằm đánh giá và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch quốc gia và tài trợ nhằm đạt được 23 mục tiêu đã được đề ra trong Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) tại COP15 - diễn ra ở Canada năm 2022, nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030. GBF cũng thống nhất cung cấp 200 tỷ USD/năm, trong đó có 20 tỷ USD/năm từ các quốc gia giàu cho những nước nghèo để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về tài chính vẫn bị đình trệ do những bất đồng giữa các bên.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Sự tồn tại của đa dạng sinh học trên hành tinh của chúng ta - và sự tồn tại của chính chúng ta - đang bị đe dọa". Theo ông, để đạt được các mục tiêu, “chúng ta phải cần nhiều hơn nữa” nguồn tài trợ từ các Chính phủ và khu vực tư nhân.

Thế nhưng, Bộ trưởng Môi trường Nigeria Iziaq Kunle Salako đã nêu bật thực tế là kể từ COP15 đến nay, việc hỗ trợ tài chính vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có bất kỳ “sự gia tăng đáng kể” nào. Ông thay mặt 20 quốc gia đang phát triển kêu gọi các quốc gia giàu có khẩn trương tăng cam kết tài chính quốc tế và đảm bảo thực hiện đúng hạn cam kết 20 tỷ USD. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy đến năm 2022, mức tài trợ đa dạng sinh học hằng năm từ các quốc gia giàu có cho các quốc gia nghèo chỉ là hơn 15 tỷ USD.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Môi trường Sierra Leone Jiwoh Abdulai, các quốc gia đang phát triển muốn có một quỹ hoàn toàn mới, trong khuôn khổ công ước đa dạng sinh học của LHQ, trong đó tất cả các bên (cả nước giàu và nước nghèo) đều có đại diện, do các quỹ đa phương hiện “quá quan liêu và khó tiếp cận”.

Tuy nhiên, nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Hugo-Maria Schally cho rằng các quốc gia giàu có đang đi đúng hướng để đáp ứng cam kết tài trợ cho năm 2025. Theo ông, các nhà tài trợ cho rằng quỹ mới sẽ không có hiệu quả vì công quỹ đang khan hiếm, đặc biệt là ở châu Âu hiện nay. Bộ trưởng Sinh thái Pháp Agnes Pannier - Runacher cũng cho rằng việc tạo thêm quỹ mới sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản là làm thế nào để các quốc gia kém phát triển nhất có thể tiếp cận được nguồn tiền.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn bất đồng về cách thức tốt nhất trong chia sẻ lợi nhuận từ sử dụng thông tin di truyền của thực vật, động vật với cộng đồng - nơi chúng khởi nguồn. Ước tính những dữ liệu như vậy được sử dụng trong các loại thuốc và mỹ phẩm giúp các nhà phát triển kiếm được hàng tỷ USD. Hiện các nhà đàm phán vẫn cần giải quyết những câu hỏi cơ bản như ai trả tiền cho việc sử dụng dữ liệu đó, bao nhiêu tiền và tiền sẽ được chuyển cho ai.

COP16, diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 1/11 tại thành phố Cali của Colombia, với chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên”. Theo Ban tổ chức, COP16 đã thu hút sự tham gia kỷ lục với 23.000 đại biểu đã đăng ký, khoảng 1.200 nhà báo cùng hàng nghìn nhà hoạt động môi trường.

Viên Luyến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bat-dong-ve-cach-thuc-tai-tro-bao-ton-thien-nhien-van-bua-vay-hoi-nghi-cop16-20241031153933777.htm