Bất đồng về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ tấn công lãnh thổ Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 30/5, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani tái khẳng định nước này sẽ không bao giờ cử quân tới Ukraine và Kiev không thể sử dụng vũ khí Italy trên lãnh thổ Nga.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình RAI, Ngoại trưởng Tajani nhấn mạnh tất cả vũ khí Italy chuyển tới Ukraine chỉ được sử dụng trong lãnh thổ quốc gia Đông Âu này. Dưới thời Thủ tướng Giorgia Meloni, Italy là nước dành nhiều sự ủng hộ đối với Ukraine, nhưng Rome chưa bao giờ tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, kênh truyền hình CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Tổng thống nước này Joe Biden đã cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng đạn được của Mỹ, song chỉ được nhằm vào các mục tiêu gần Kharkov.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, quyết định trên đồng nghĩa với việc Ukraine có thể sử dụng pháo và tên lửa, do Mỹ cung cấp, tấn công các lực lượng, kho đạn dược và trung tâm hậu cần của Nga từ Kharkov. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ kiên quyết không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga.
Việc nới lỏng các hạn chế trên đánh dấu sự phá vỡ chính sách lâu nay của Washington trong bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng tăng từ các đồng minh thân cận của Mỹ. Ukraine đã yêu cầu Mỹ thay đổi chính sách này chỉ mới vài tuần qua, khi lực lượng Nga đạt được các bước tiến lớn trên chiến trường.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên cho phép Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga hay không. Một số nước phản đối do lo ngại điều này có thể kéo họ đến gần xung đột trực tiếp với Moskva.
Cùng ngày, trong chuyến thăm bất ngờ tới Odesa, miền Nam Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo Berlin sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới, trị giá 500 triệu euro (540 triệu USD) cho Kiev. Theo truyền thông Đức, ông Pistorius đã cho phép viện trợ một lượng lớn tên lửa tầm trung, thiết bị bay không người lái để trinh sát và chiến đấu ở Biển Đen, cũng như các phụ tùng thay thế.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Đức đã trở thành nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Kiev, sau Mỹ.