Bắt mạch thế khó của doanh nghiệp chế biến

Nhu cầu tiêu thụ suy giảm vì sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm cuối năm tăng chậm lại, mở rộng sản xuất chậm hơn… khiến cho không ít doanh nghiệp chế biến rơi vào thế khó buộc phải cắt giảm lao động. Điều mong mỏi là những điều chỉnh về vĩ mô sẽ nhanh nhạy hơn, sát với thực tế hơn của doanh nghiệp, tránh để xảy ra các khúc mắc sẽ càng làm tình hình trầm trọng hơn.

Những thông tin liên tiếp mới đây từ những doanh nghiệp (DN) các ngành gỗ, da giày, dệt may... ở Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cho thấy do thiếu đơn hàng xuất khẩu (XK) nên họ buộc phải cắt giảm lao động hoặc là lên kế hoạch cho công nhân nghỉ Tết kéo dài khoảng một tháng từ ngày 2-28/1/2023.

Lo hiệu ứng tiêu cực

Các DN chế biến trong ngành gỗ, may mặc, da giày là ba ngành được cho là chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đợt suy thoái lần này. Với công ty có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính mỏng thì dễ dàng đóng cửa, với công ty lớn lại lo cắt giảm lao động, sản xuất cầm chừng với chi phí lớn, cho công nhân nghỉ trung hạn (khoảng 3 - 4 tháng) và ngắn hạn (khoảng 1 - 2 tháng).

Do thiếu đơn hàng xuất khẩu nên một số DN chế biến ở Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang cắt giảm lao động hoặc lên kế hoạch cho công nhân nghỉ Tết kéo dài khoảng một tháng.

Do thiếu đơn hàng xuất khẩu nên một số DN chế biến ở Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang cắt giảm lao động hoặc lên kế hoạch cho công nhân nghỉ Tết kéo dài khoảng một tháng.

Anh Nguyễn Quốc Trung, công nhân của một doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương chuyên sản xuất hàng nội thất cao cấp xuất đi Châu Âu, cho biết trước đây công ty có hơn 1.000 công nhân nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 200 người vì đơn hàng rất ít nên công ty cắt giảm nhân sự toàn diện. Có nhiều công nhân được công ty cho “nghỉ Tết” cách đây...3 tháng, giờ phải mưu sinh bằng nghề tay trái.

Theo đánh giá từ bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, tình hình XK gần đây đã thể hiện vài dấu hiệu tiêu cực ban đầu. XK đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. Rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước Châu Âu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nhóm công nghiệp chế biến và chế tạo vào tháng 10/2022 chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái (lũy kế 10 tháng năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng chậm lại khá nhiều so với 9 tháng năm 2022 là 10,4%).

Bên cạnh đó, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) trong tháng 10/2022 cũng giảm xuống còn 50,6 điểm – dù vẫn nằm trong vùng mở rộng sản xuất (trên 50 điểm) – nhưng là mức thấp nhất trong 10 tháng gần đây, với các dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy giảm vì sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại, mở rộng sản xuất chậm hơn.

Giới phân tích cho rằng nhiều dấu hiệu tiêu cực vào thời điểm cuối năm đang dồn các DN chế biến vào thế khó. Người tiêu dùng cũng đang thắt chặt chi tiêu và một số ngành hàng tiêu dùng cũng đang cân nhắc điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong khi đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ về lãi suất vẫn chưa có nhiều tác dụng trên thực tế đối với các DN chế biến. Thậm chí các DN còn gặp vướng mắc trong cắt – giảm hạn mức tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại.

Như chia sẻ của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), ngay khi bước vào Quý 4/2022, các DN thủy sản phải đối mặt với một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn và kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ quý cuối năm 2022 và năm 2023.

Tránh xảy ra các khúc mắc

Theo bà Thu, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các ngân hàng thương mại tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các DN thủy sản, mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân.

Điều này khiến nhiều DN lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, DN phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có DN đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.

“Các DN vẫn nhận thức rằng, trong hoàn cảnh hiện nay điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng là trên cân đối chung nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên với hoạt động sản xuất và XK thủy sản trong năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh một cách bất ngờ ở giai đoạn đầu năm. Vì vậy, các DN khó tự cân đối nguồn vốn tăng nếu không có sự điều chỉnh tăng nguồn tín dụng từ ngân hàng, giúp các DN tiếp cận tín dụng, duy trì tốc độ tăng trưởng trong hoạt động XK”, bà Thu lưu ý.

Cho nên, mới đây Vasep có kiến nghị Chính Phủ, Bộ NN&PTNT xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành nói chung và XK thủy sản nói riêng.

Ngoài vấn đề mà phía Vasep phản ánh, thị trường tài chính tiền tệ cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chế biến. Như với ngành dệt may, lãi suất cho vay đồng Việt Nam kỳ hạn 6 tháng hiện nay của các ngân hàng thương mại đang giao dịch quanh mức 8,5 – 9%, cuối năm 2022 dự kiến cũng sẽ tăng thêm 0,5%-1% so với hiện nay, duy trì ở mức khoảng 9% đến 10%.

Còn lãi suất cho vay đồng USD cuối năm 2022 cũng được dự báo tăng 0,5 – 1%, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn lên 5 – 5,5%. Không chỉ vậy, việc tăng mạnh tỷ giá USD trong thời gian gần đây đồng nghĩa với việc các DN XK dệt may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá.

Với mức tăng tỷ giá và lãi suất như hiện nay, theo ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), dự tính chi phí tài chính của các DN của Vinatex trong năm 2022 tăng khoảng 100 tỷ đồng so với 2021.

Tựu trung lại, điều mong mỏi của các DN chế biến vào thời điểm này là những điều chỉnh về vĩ mô sẽ nhanh nhạy hơn, sát với thực tế hơn, tránh để xảy ra các khúc mắc (đơn cử như vướng mắc trong cắt – giảm hạn mức tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại) sẽ càng làm tình hình trầm trọng hơn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/bat-mach-the-kho-cua-doanh-nghiep-che-bien-1089203.html