Bất ngờ gồng người, cứng hàm sau khi bị thương ở chân

Sau 5 ngày bị mảnh chén vỡ đâm vào chân, người đàn ông có triệu chứng cứng người, phải vào viện điều trị tích cực.

Trước khi vào bệnh viện, ông Đ.V.S. (47 tuổi, quê huyện Phú Tân, An Giang) bị mảnh chén cắt vào gót chân. Dù đã được sơ cứu khâu vết thương, người đàn ông lại không đi tiêm ngừa ngừa uốn ván.

Năm ngày sau đó, ông S. bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, cứng hàm, không há miệng được, lưng ưỡn ra sau, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang điều trị.

 Ông S. được điều trị tích cực sau 5 ngày bị mảnh chai đâm vào chân. Ảnh: BVCC.

Ông S. được điều trị tích cực sau 5 ngày bị mảnh chai đâm vào chân. Ảnh: BVCC.

Tại đây, ông được chẩn đoán bị uốn ván nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc an thần giãn cơ liều cao kéo dài cùng nhiều loại thuốc khác.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, thời gian gần đây, đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch do uốn ván. Hầu hết trong số đó không được tiêm phòng uốn ván.

Khoa Hồi sức cũng thường xuyên có một vài trường hợp bị uốn ván nằm điều trị. Hiện khoa theo dõi 3 ca nặng phải thở máy. Một số ca nhẹ hơn nằm điều trị tại khoa Nhiễm.

Phần lớn bệnh nhân là nam giới bị vết thương gặp phải trong lúc lao động nhưng không tiêm phòng. Mỗi trường hợp uốn ván đều phải nằm viện điều trị trong hơn một tháng. Nếu may mắn cai được máy thở, chi phí vẫn lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong trường hợp nhiễm trùng bệnh viện, nhiễm trùng ổ loét do nằm lâu, suy dinh dưỡng... việc điều trị sẽ khó khăn gấp bội, bệnh nhân có thể không qua khỏi bất cứ lúc nào.

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính do độc tố của trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương. Đây là căn nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng nhưng nhiều người vẫn không biết hoặc chủ quan.

Thời gian ủ bệnh (kể từ lúc bị thương đến khi khởi phát bệnh) là 3-21 ngày. Một khi vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể đều dẫn đến bệnh, dù là vết thương lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ.

Các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để phòng uốn ván là tiêm vaccine trong vòng 24 giờ sau khi bị thương. Những người chưa bị thương nhưng có nguy cơ cao khi lao động như giẫm vào đinh, sắt, củi, gỗ, nên tiêm vaccine phòng uốn ván chủ động. Khi đã tiêm đủ 3 liều cơ bản, thời gian phòng ngừa bệnh có thể kéo dài trong 10 năm.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bat-ngo-gong-nguoi-cung-ham-sau-khi-bi-thuong-o-chan-post1482924.html