Bất ngờ về loại trái cây nhập khẩu được người Việt Nam ăn nhiều nhất

Táo, nho, quýt, lê là những loại trái cây nhập khẩu được người Việt ăn nhiều nhất. Trong đó, thị trường cung cấp trái cây chủ yếu cho Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Trong đó, dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 1,96 tỷ USD, giảm 5,5% so với năm 2022.

Táo là loại trái cây nhập khẩu được người Việt thích ăn nhất.

Táo là loại trái cây nhập khẩu được người Việt thích ăn nhất.

Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt 794,7 triệu USD, giảm 7,4% so với năm trước, chiếm 40,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023.

Mỹ xếp vị trí thứ hai, với kim ngạch nhập khẩu đạt 331,5 triệu USD, giảm 7% so với năm trước, chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023.

Xếp thứ ba là thị trường Australia với kim ngạch nhập khẩu đạt 142,4 triệu USD, giảm 10% so với năm 2022, chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023; New Zealand đạt 120,7 triệu USD, giảm 3% so với năm 2022, chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023.

Những loại trái cây nhập khẩu được người Việt ăn nhiều nhất.

Những loại trái cây nhập khẩu được người Việt ăn nhiều nhất.

Về chủng loại, táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2023, đạt 237,1 triệu USD, giảm 11,5% so với năm 2022, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây. Xếp vị trí thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD, giảm 17,4% so với năm 2022, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.

Ở chiều ngược lại, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022 nhờ tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu các loại quả (trái cây) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng đã thay thanh long chiếm vị trí thứ nhất với tỷ trọng 55,4% tổng trị giá xuất khẩu trái cây, đạt 2,24 tỷ USD, tăng 430% so với năm 2022. Thanh long đứng thứ hai chiếm 15,2% theo trị giá (giảm một nửa so với tỷ trọng 31,3% năm 2022), đạt 614 triệu USD, giảm 3,8%.

Ngoài ra, chuối chỉ tăng nhẹ (tăng 1,3%), các mặt hàng trái cây khác như mít, xoài, chanh leo, hạt dẻ cười... nhìn chung đều có mức tăng xuất khẩu cao, khoảng từ 34-44% so với năm 2022.

Trong năm 2023, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm trước, chiếm 65,0% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ đạt 257,7 triệu USD, tăng 4,0% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 4,6%. Hàn Quốc đứng thứ ba với kim ngạch đạt 225,8 triệu USD, tăng 24,9% so với năm 2022 và chiếm 4,0% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU đạt 227,6 triệu USD, tăng 22,2% so với năm 2022 và chiếm 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Trong đó, chủ yếu xuất sang Hà Lan với kim ngạch 147,1 triệu USD, tăng 25,7% so với năm trước; xuất sang Đức là 36,2 triệu USD, tăng 45,6%.

Trong năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều tăng so với năm 2022, nhất là thị trường Trung Quốc, ngoài ra, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đức, Canada cũng tăng mạnh. Cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả cũng có khá nhiều thay đổi so với năm 2022: tỷ trọng của thị trường Trung Quốc tăng từ 45,4% lên 65% nhờ tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ sầu riêng; trong khi tỷ trọng của các thị trường chính khác giảm như Hoa Kỳ (giảm từ 7,4% xuống 4,6%), Hàn Quốc (từ 5,4% xuống 4,0%).

Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm 2023 đã phản ánh nỗ lực thích ứng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam. Hiện Việt Nam có 13 loại nông sản và trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, thạch đen, ớt, sầu riêng, khoai lang, chanh leo. Bên cạnh Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả còn đạt tăng trưởng khả quan tại các thị trường xuất khẩu khác nhờ lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Chủng loại rau quả xuất khẩu ngày càng được đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng vào sản phẩm rau quả như sản phẩm nước quả đóng hộp, sản phẩm muối, sấy, đặc biệt vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Singapore.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/bat-ngo-ve-loai-trai-cay-nhap-khau-duoc-nguoi-viet-nam-an-nhieu-nhat-1099809.html