Bất ngờ với phán quyết phúc thẩm vụ 'cướp xuyên không'
Sau nhiều ngày nghị án, ngày 24-3, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên bác kháng cáo kêu oan đối với Huỳnh Hữu Nhơn (34 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), vẫn tuyên Nhơn phạm tội cướp tài sản.
Tòa nhận định bị cáo cho rằng quá trình điều tra bị bức cung, hướng dẫn bị hại nhận diện vết thẹo trên mày của Nhơn là không có căn cứ. Bởi trong mỗi lời khai, bị cáo đều ký tên xác nhận lời khai là tự nguyện không bị bức cung nhục hình, trước khi bắt Nhơn thì bị hại đã trình bày vết sẹo.
Căn cứ vào lời khai của Đặng (người cho bị cáo mượn xe) có căn cứ xác định Đặng đã gặp Nhơn trong ba ngày và đối chiếu với ngày cân mía của Đặng (ngày 19-4-2016), tính lùi lại cho thấy ngày Đặng gặp Nhơn lần đầu tiên là ngày 17-4-2016. Từ đó xác định bị cáo có mặt ở Vị Thanh (Hậu Giang) vào sáng ngày 17-4 và dùng nón bảo hiểm màu trắng, xe máy của Đặng đi đến 17 giờ cùng ngày.
Đối với chiếc xe máy là phương tiện đi cướp, mặc dù lời khai của bị cáo Rồi và Đặng có một số mâu thuẫn về màu sắc, tuy nhiên lại trùng khớp một số đặc điểm là không có chìa khóa, yên không khóa. Từ đó xác minh phương tiện dùng gây án là chiếc xe Nhơn mượn của Đặng.
Đối với lời khai của Nguyễn Hoàng Nam, Phạm Thị Thu Hương, Dương Hoài Sơn cho rằng Nhơn có mặt ở bãi mía vào ngày 17-4-2016 và tờ tường trình do vợ chồng Nam cung cấp, HĐXX nhận thấy, lời khai những người này có mâu thuẫn về đặc điểm nhận dạng Nhơn. Cụ thể, Nam khai bị cáo mặc quần short, Hương khai bị cáo mặc áo cụt tay, Sơn khai mặc áo dài tay, quần jean đen.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hồi tháng 10-2018, những người làm chứng này đều xác định sinh hoạt làm việc theo ngày âm lịch nhưng trong lời khai của họ thời điểm gặp bị cáo là dương lịch là không đủ căn cứ thuyết phục. Khi được HĐXX hỏi tại sao biết ngày dương thì nói xem lịch và không nói được sự kiện gì nổi bật vào ngày đó.
Lời khai của Hương khai khoảng 18 giờ ngày 15-4 là mâu thuẫn với lời khai của Tiền nói là Nhơn về đến nơi khoảng 15 giờ, lời khai của Nhơn là 12 giờ. Tiền còn khai ngày 17-4, khi lôi mía chuyến thứ hai (khoảng 13 giờ đến 13 giờ 30 phút) có gặp bị cáo đang đứng trên bờ nhưng bị cáo cho rằng không gặp Tiền.
Căn cứ vào lời khai của những người làm chứng ông Lương, Miền, Mến Sơn, Kim Anh, Đắc... cùng với sổ ghi chép do Nam cung cấp cho thấy, tờ tường trình của vợ chồng ông Nam và bà Hương đều thể hiện gian dối so với những người làm chứng nêu trên về mặt nội dung xác nhận ngày 17-4 Nhơn còn ở bãi mía của ông Sơn.
Theo sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương và những người ở bãi mía thì dùng ngày âm nhưng tờ tường trình lại ghi ngày dương. Hơn nữa những người làm chứng chỉ nghe Hương đọc chứ không biết nội dung mà vợ chồng Nam đã gian dối. Sổ ghi chép theo dõi ghe của Nhơn, Nam ghi ngày 10-3-2016 tức ngày 16-4 dương lịch là chuyến cuối cùng của Nhơn rời khỏi bãi mía của ông Sơn và phù hợp với số ghi chép đăng tài cân mía (18-4) của xí nghiệp đường Vị Thanh.
Từ đó, tòa cho rằng có đủ cơ sở xác định lời khai và tờ tường trình của vợ chồng Nam là gian dối, bịa đặt, không khách quan trong việc tạo lập chứng cứ ngoại phạm của bị cáo. Mặt khác, Nam và Hương được xác định là chỗ thân quen của Nhơn (thuê Nhơn làm việc) và Nhơn từng đòi nợ giúp Hương.
Từ đó, đủ căn cứ để xác định Nhơn chính là đối tượng cùng với Rồi ra tay cướp tài sản của Ngân vào ngày 17-4-2016. Từ những lý do này tòa bác kháng cáo của Nhơn, bác đề nghị hủy án của VKSND tỉnh Hậu Giang, tuyên phạt Nhơn 4 năm tù về tội cướp tài sản.
Đồng thời, tòa còn nhận định hành vi của vợ chồng Hương có dấu hiệu phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối nên HĐXX kiến nghị VKSND huyện Phụng Hiệp khởi tố vụ án và giao cơ quan điều tra điều tra làm rõ.
Sau khi tuyên án, HĐXX cũng đã công bố quyết định bắt tạm giam Nhơn tại tòa, thời gian tạm giam là 45 ngày.
Nhơn cho biết bản án của tòa không thuyết phục và khẳng định sẽ kêu oan đến chết.
Kỳ án "cướp xuyên không"
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, khoảng 16 giờ ngày 17-4-2016, Nhơn cùng Trần Văn Rồi điều khiển xe mô tô đi vào lộ nông thôn thuộc ấp Tân Phú, xã Tân Bình tìm người cướp tài sản.
Cả hai thấy anh Nguyễn Hoàng Ngân đang đi bộ bán vé số theo hướng ngược lại nên Nhơn kêu Rồi quay đầu xe lại để cướp. Nhơn bước xuống đi đến chỗ anh Ngân đạp vào bụng để giật túi xách nhưng không được. Cả hai xảy ra giằng co thì Rồi đi đến giật túi xách và kêu Nhơn lên xe bỏ chạy.
Tài sản cướp được, Nhơn lấy 1,05 triệu đồng, chia cho Rồi 300 ngàn đồng, còn túi xách và 15 tờ vé số Nhơn ném bỏ xuống sông. Anh Ngân đến công an xã trình báo sự việc. Sau đó, Rồi bị bắt và khai đi cướp cùng Nhơn.
Bản án sơ thẩm lần 1 (tháng 10-2016) của TAND huyện Phụng Hiệp tuyên phạt Nhơn bốn năm tù, Rồi ba năm sáu tháng tù cùng về tội cướp tài sản. Sau đó, Nhơn Kháng cáo kêu oan, vì thời điểm này Nhơn đang làm thuê ở Kiên Giang cách hiện trường khoảng 100 km, không thể "xuyên không" cùng Rồi đi cướp…
Trải qua ba lần xét xử sơ thẩm, hai lần tòa phúc thẩm tuyên hủy án. Bị cáo Trần Văn Rồi đã chấp hành án xong, nay ra tòa với tư cách người làm chứng; còn bị cáo Nhơn liên tục kêu oan.