'Bắt tay' nông dân mới được xuất khẩu gạo?
Có nên bổ sung điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng doanh nghiệp phải có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm hay không là vấn đề gây tranh luận trong quá trình sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP (phiên bản 4) đưa ra hai phương án về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Phương án 1 là bổ sung điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng “có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm” theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thương nhân muốn được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo phải có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiên sản phẩm tối thiểu 50% số lượng đăng ký xuất khẩu hàng năm. Phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành.
Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo được coi là khâu then chốt giúp làm tăng sản lượng, chất lượng nông sản của nước ta. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và người nông dân đã tự ký các thỏa thuận liên kết để nâng cao giá trị nông sản mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Tuy nhiên, hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo giữa thương nhân kinh doanh với nông dân bản chất là hợp đồng dân sự, tính pháp lý không cao. Các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng, đặc biệt từ tòa án, hiện chưa bảo đảm để xử lý các vi phạm hợp đồng, giúp duy trì các liên kết như vậy một cách lâu dài. Thành thử, mỗi khi có biến động giá hoặc sản lượng, cả phía doanh nghiệp và nông dân đều dễ dàng vi phạm hợp đồng - điều này cũng đã xảy ra trong đợt lúa gạo tăng giá đột biến vừa qua.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, phần lớn hợp đồng cung cấp gạo được ký vào đầu năm 2023. Lúc đó chưa ai dự báo được giá lúa sẽ tăng ngất ngưởng nên giá bao tiêu trong hợp đồng dừng ở mức 6.500 đồng/kg. Khi giá gạo biến động đẩy giá thu mua lúa lên mức 8.000 đồng/kg thì nông dân đều muốn phá vỡ cam kết với doanh nghiệp. Nhiều nơi, nông dân đã bán lúa cho các thương lái thu mua bên ngoài và chấp nhận vi phạm các cam kết trong hợp đồng bao tiêu đã ký trước đó. Không ít doanh nghiệp dù có hợp đồng bao tiêu với nông dân, ứng trước chi phí vật tư cho nông dân vẫn đành phải mua lúa theo giá thị trường để thanh toán hợp đồng cho đối tác nước ngoài.
Có thể thấy, mối liên kết giữa thương nhân và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo không thể tồn tại chỉ bằng yêu cầu hành chính (điều kiện kinh doanh) mà cần sự đồng thuận và thiện chí từ các bên tham gia. Vì thế, về dài hạn, biện pháp tốt nhất để tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ là cải thiện các thiết chế tư pháp bảo đảm thực thi hợp đồng, còn các biện pháp hành chính chỉ nên mang tính ngắn hạn. Tiêu chí “có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm” nên được coi là một nội dung khuyến khích chứ không phải bắt buộc cản trở hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh chưa cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thì phương án hai - giữ nguyên quy định như Nghị định 107/2018/NĐ-CP, có lẽ là lựa chọn hợp lý hơn.