Bắt vị' thông tin nhà đầu tư cần trên thị trường tài chính
Toàn bộ thị trường tài chính là một khối lượng thông tin khổng lồ và đóng vai trò quan trọng chủ chốt của cả nền kinh tế, nên việc thu thập và cập nhật những thông tin này để tạo kho dữ liệu lớn, từ đó đưa ra những dự đoán, dự báo trên hệ thống thông tin đại chúng là vô cùng quan trọng.
Khi đầu tư trên thị trường tài chính, thông tin chính là yếu tố trọng yếu quyết định hiệu quả đầu tư. Trong đó, một thông tin quan trọng nhất chi phối cả vĩ mô lẫn vi mô đó là lãi suất, bao gồm lãi suất của ngân hàng trung ương, lãi suất trên thị trường tín dụng. Lãi suất thể hiện các xu hướng như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá hối đoái… và tác động trực tiếp đến chi phí tài chính của hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đầu tư.
Hay nói cách khác, trọng tâm của các phân tích về kinh tế và đầu tư là lãi suất, bao gồm cấu trúc kỳ hạn và cấu trúc rủi ro. Lãi suất là giá của vốn và đó là hiệu suất tối thiểu mà một nhà đầu tư có thể đạt được, nghĩa là hoạt động đầu tư có hiệu quả thì lãi suất phải cao hơn tiền gửi tiết kiệm. Tất nhiên, trên từng phân khúc thị trường sẽ có những thông tin khác nhau mà nhà đầu tư cần phải quan tâm thêm.
Cụ thể, đối với đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần phải chú ý đến báo cáo tài chính của các mã cổ phiếu, nhất là vào các kỳ báo cáo định kỳ; mức độ biến động của thị giá, khối lượng giao dịch và thanh khoản cổ phiếu, cũng như thái độ giao dịch của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán phải có các nhà phân tích chuyên nghiệp, phân tích thông tin minh bạch cho thị trường, đặc biệt với các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn là đối tượng khó tiếp cận các thông tin chính thống để trên cơ sở đó ra quyết định đầu tư, còn phần lớn các quỹ đầu tư sẽ có bộ phận phân tích và thu thập thông tin chuyên nghiệp.
Trái lại, trên thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu phát hành ra công chúng, các báo cáo tài chính không phải là điều mà các nhà đầu tư quan tâm vì đây là một thị trường đầu tư đại chúng nên xếp hạng tín nhiệm là thông tin quan trọng nhất.
Nhà đầu tư sẽ căn cứ vào kết quả xếp hạng của các doanh nghiệp phát hành để quyết định đầu tư. Các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đều là những tiêu chí rất chuẩn mực và khắt khe về khả năng trả nợ của nhà phát hành, bởi trái phiếu doanh nghiệp là khoản vay, nên khả năng trả nợ là vấn đề quan trọng nhất.
Với thị trường bất động sản, yêu cầu về thông tin cũng tương tự như các thị trường trên, nhưng có sự chi phối mạnh hơn của các yếu tố phi tài chính như hành lang pháp lý, quy hoạch, cơ sở hạ tầng mới, vị trí dự án, biến động tại các phân khúc nhà ở... Trên thực tế, các yếu tố phi tài chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bất động sản và thường chiếm một trọng số lớn (trên 50%) trong các quyết định đầu tư.
Trên thị trường tiền tệ - một thị trường khá đặc biệt, gắn với kinh tế vĩ mô, giữ vai trò trung tâm của toàn bộ thị trường tài chính, cho nên các thông tin về hoạt động tiền tệ, tín dụng thường được kiểm soát rất chặt chẽ và theo dõi thường xuyên, chẳng hạn mức độ biến động của lãi suất điều hành, thị trường liên ngân hàng, thị trường tín dụng, tỷ giá hối đoái…
Nếu không cập nhật được các thông tin, phân tích và quản lý được dữ liệu trên thị trường, không loại trừ khả năng trong tương lai gần, báo chí sẽ mất dần vị trí là “điểm” cung cấp thông tin chính yếu của xã hội, nền kinh tế.
Mức độ biến động của các chỉ số này có tác động mạnh mẽ lên toàn bộ nền kinh tế và thường xảy ra rất nhanh, mang tính chất đối nội (lạm phát) và đối ngoại (tỷ giá hối đoái), do đó bị chi phối cả từ thị trường quốc tế.
Nhiều nhà kinh doanh trên thị trường tài chính ít quan tâm đến những chỉ số kinh tế vĩ mô nên thường phạm phải sai lầm về chu kỳ đầu tư bất động sản, chứng khoán…, hay nói theo cách khác là bán và mua không đúng lúc. Trong khi đó, các quỹ đầu tư quốc tế đều có những cơ quan phân tích kinh tế vĩ mô chuyên nghiệp, là cơ sở để đánh giá các dự án đầu tư và quyết định đầu tư với quy mô nào, thời hạn bao lâu...
Như vậy, có thể thấy, toàn bộ thị trường tài chính là một khối lượng thông tin khổng lồ và đóng vai trò quan trọng chủ chốt của cả nền kinh tế, nên việc thu thập thông tin để trở thành kho dữ liệu lớn, cập nhật thông tin để đưa ra những dự đoán, dự báo trên hệ thống thông tin đại chúng là vô cùng quan trọng.
Khối lượng thông tin càng lớn thì khả năng phân tích, dự báo càng tốt, khả năng áp dụng công nghệ AI càng hiện thực (công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI dựa chủ yếu vào cơ sở dữ liệu và từ việc phân tích cơ sở dữ liệu lớn để ra quyết định đầu tư có thể còn chính xác hơn, nhanh chóng hơn, thời gian thực hơn so với phân tích của các chuyên gia).
Truyền thông trong tương lai có một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là truyền thông số và từng cơ quan truyền thông cần xây dựng kho dữ liệu và sử dụng công nghệ phân tích AI để đưa ra những báo cáo, bài phân tích hoặc tổ chức các hội thảo, tọa đàm… có giá trị dẫn dắt thị trường.
Tôi cho rằng, tại bất cứ một tòa soạn nào hiện tại đều đã có một khối lượng rất lớn thông tin đi qua nhưng không được lưu trữ, cấu trúc theo mục đích phân tích nên không có giá trị.
Do đó, lời khuyên của tôi đối với các tòa báo lớn là phải cập nhật và lưu trữ thông tin thành kho dữ liệu, cấu trúc thông tin theo mục đích tờ báo của mình. Trên nền tảng đó, sử dụng AI để phân tích, đưa ra dự báo, bài viết vào những thời điểm nhạy cảm, thích hợp, thậm chí cả viết sách.
Các nhà báo cũng cần phải nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và quan trọng nhất là tích lũy thông tin, dữ liệu…, trên cơ sở đó đưa ra các đánh giá, nhận định có giá trị cho độc giả. Bằng những quan sát thực tiễn, nhiều khi các nhà báo còn có tầm nhìn về kinh tế - xã hội còn sâu sắc hơn các chuyên gia.
Thực tế, trên thế giới, có nhiều cuốn sách kinh tế nổi tiếng được viết bởi các nhà báo chứ không phải chuyên gia kinh tế, có thể kể đến một số tác phẩm nổi bật như “Chiếc xe Lexus và cây ô liu”, “Thế giới cong”..., đặc biệt là “Thế giới phẳng” (The world is flat) - một trong những cuốn sách kinh tế bán chạy hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm được viết bởi Thomas Friedman, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của Tạp chí New York Times. Để có thể viết được như vậy, nhà báo phải tập hợp các dữ liệu thông tin rất lớn trên cơ sở hàng trăm quan sát, thậm chí là nhiều cuộc điều tra.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, trên thị trường tài chính thường có những tin đồn và một số tin đồn đó đúng với thực tế. Để từ “tin đồn” trở thành “hiện thực”, người đưa tin phải có “kho” thông tin dữ liệu chất lượng, sau đó phân tích, kết nối, xâu chuỗi chúng lại với nhau…
Do đó, nếu không cập nhật được các thông tin, phân tích và quản lý được dữ liệu trên thị trường, không loại trừ khả năng trong tương lai gần, báo chí sẽ mất dần vị trí là “điểm” cung cấp thông tin chính yếu của xã hội, nền kinh tế.