Bầu 21 đồng chí vào Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Sáng 7/6, Đại hội Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã diễn ra ngày làm việc thứ nhất, với sự tham dự của 191 đại biểu. Đại hội nhất trí bầu 21 đồng chí vào Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Chính Hữu, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 của LĐLĐ Thành phố; Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đồng chí là trưởng, phó các ban của LĐLĐ Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội và 191 đại biểu chính thức dự đại hội.
Phát biểu khai mạc phiên thứ Nhất, Đại hội Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành khóa XIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 cho biết, trong nhiều tháng qua, Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cơ sở tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở (CĐCS) nhiệm kỳ 2023 - 2028 với tinh thần trách nhiệm cao. Được sự chỉ đạo trực tiếp, đến ngày 31/03/2023, 100% các CĐCS đã tổ chức Đại hội theo đúng kế hoạch, đảm bảo đúng nguyên tắc, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Để chào mừng Đại hội, toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ toàn ngành đã hưởng ứng tích cực phong trào thi đua do Công đoàn ngành phát động ngay từ đầu năm, lập nhiều thành tích thiết thực chào mừng Đại hội; Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh và ghi nhận những đóng góp, những tình cảm chân thành của tất cả cán bộ, đoàn viên công đoàn trong toàn ngành với những việc làm cụ thể góp phần tổ chức thành công Đại hội Công đoàn cấp cơ sở.
Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2023- 2028 có nhiệm vụ: Kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023; xác định mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng nhiệm vụ của Công đoàn ngành trong 5 năm tới (2023 - 2028).
Báo cáo trước Đại hội, ông Phùng Văn Chung, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIII, cho biết, sau Đại hội XIII, Ban Chấp hành nghiêm túc xây dựng kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đến các cấp Công đoàn ngành và 100% đoàn viên, CNVCLĐ. Xây dựng chương trình công tác cho cả nhiệm kỳ 2018 - 2023 và từng năm; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các mảng công tác. Thành lập Tổ tư vấn pháp luật, Ban nữ công quần chúng.
Mặc dù có nhiều thay đổi về nhân sự trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành do có một số đồng chí nghỉ chế độ, chuyển công tác nhưng nhìn chung, Ban Chấp hành khóa XIII đã tổ chức và phát động sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua, lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống người lao động, đóng góp vào sự phát triển nhanh, bền vững, ổn định của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành 5 năm qua.
Kết thúc ngày làm việc thứ nhất, Đại hội đã bầu Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 21 đồng chí; chỉ định triệu tập viên phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028; bầu 10 đại biểu dự Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, bầu 6 đại biểu dự Đại hội Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đại hội cũng nhất trí, mục tiêu của nhiệm kỳ 2023 - 2028 được xác định là: Tiếp tục đổi mới, đoàn kết, sáng tạo; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Công đoàn; làm tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tích cực tham gia công tác quản lý, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho Người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; xây dựng đội ngũ CNVCLĐ ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Trong đó, phấn đấu trên 70% CNVCLĐ đạt danh hiệu lao động tiên tiến và các danh hiệu cao quý khác, 75% nữ CNVCLĐ trở lên đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", trên 30% doanh nghiệp tổ chức Hội thi thợ giỏi; 98% trở lên số cơ quan, đơn vị có ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở; 100% doanh nghiệp khu vực nhà nước và trên 90% doanh nghiệp ngoài nhà nước thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể, 70% các bản Thỏa ước lao động tập thể đã ký kết có nhiều nội dung cao hơn luật và có lợi hơn cho người lao động, trong đó có ít nhất 35% bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại A, trên 45% bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại B.