Bầu cử Ấn Độ 2024: Cuộc đua gay cấn đến phút chót

Với 292/543 ghế, Liên minh Dân chủ quốc gia do đảng Nhân dân Ấn Độ của đương kim Thủ tướng Modi lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện nước này.

Chiến thắng sít sao dành cho đảng Nhân dân Ấn Độ và Thủ tướng Modi

Sáng ngày 5/6, Ủy ban bầu cử Ấn Độ công bố kết quả kiểm phiếu toàn bộ 7 giai đoạn của cuộc tổng tuyển cử Hạ viện nước này. Theo đó, liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đã giành chiến thắng với 292/543 ghế. Liên minh toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu bất ngờ nổi lên như một phe đối lập vô cùng mạnh mẽ khi giành được 234/543 ghế. Mặc dù không đạt được 400 ghế như mục tiêu đề ra, song NDA đã hội đủ điều kiện thành lập chính phủ để tiếp tục điều hành đất nước trước ngày 16/6 tới. Theo đó, Thủ tướng Modi sẽ ghi danh vào lịch sử Ấn Độ khi nắm giữ 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Theo Reuters, kết quả cuộc bầu cử cho thấy thực tế Thủ tướng Modi và đảng BJP đang có uy tín rất lớn trong đời sống chính trị-xã hội của Ấn Độ. Trong suốt 10 năm nắm quyền, ông Modi xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ và nhà vô địch của chủ nghĩa dân tộc Hindu đã được củng cố nhờ một loạt biện pháp phúc lợi cho hàng chục triệu người nghèo, cũng như những thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy năm 2023, quy mô kinh tế Ấn Độ đã đạt 3.700 tỷ USD và vượt qua Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ từ thời điểm ông Modi bắt đầu giữ chức vụ Thủ tướng Ấn Độ. Bộ Thống kê Ấn Độ cho biết nền kinh tế nước này tăng trưởng 7,2% trong năm tài chính 2023 và ước tính tăng trưởng 7,6% trong năm tài chính 2024. Tốc độ tăng trưởng nhanh và việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới đang thúc đẩy tham vọng của Ấn Độ thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, kết quả cuộc bầu cử là một đòn giáng mạnh vào nhà lãnh đạo quyền lực, người đã thống trị chính trường Ấn Độ trong thập kỷ qua, cho thấy những thay đổi chính trị ở nước này. Đảng BJP chỉ giành được 240 ghế trong tổng số 543 ghế ở Hạ viện, kém xa mức đa số tuyệt đối mà đảng này đã giành được trong 2 cuộc tổng tuyển cử trước đó. Liên minh NDA đạt được 292 ghế, con số khá sít sao với mốc 272 ghế tối thiểu cần thiết để thành lập chính phủ.

Theo The Economic Times nhận định, vị thế của BJP đã bị suy yếu do lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp cao, bất bình đẳng ngày càng gia tăng và cải cách tuyển dụng quân sự gây tranh cãi, cùng nhiều lý do khác. Chiến dịch khắc nghiệt và gây chia rẽ của ông Modi, đặc biệt nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo, cũng có thể khiến cử tri ở một số khu vực xa lánh. Trong khi đó, đảng Quốc đại đối lập hướng tới một chương trình nghị sự tích cực hơn, những cam kết tranh cử, như tạo ra nhiều việc làm hơn, bảo đảm phúc lợi hằng tháng và các chương trình phúc lợi xã hội khác, đã giúp lực lượng này củng cố đáng kể vị thế.

Milan Vaishnav, Giám đốc chương trình Nam Á tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho rằng, việc BJP không giành được đa số trong nghị viện buộc đảng này phải phụ thuộc vào đồng minh nhỏ hơn để thành lập chính phủ. Các đối tác liên minh cấp dưới của BJP sẽ có ảnh hưởng lớn trong việc định hình chính phủ tương lai và đường lối chính trị của đất nước.

Những trọng tâm chính sách của chính phủ mới

Bất chấp những thất bại, BJP cho đến nay vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội và có đủ khả năng thành lập chính phủ tiếp theo cùng với các đồng minh NDA của mình. Theo trang Izvestia, kết quả cuộc bầu cử khiến Thủ tướng Modi nhìn nhận rõ hơn những vấn đề đất nước đang phải đối mặt và “tiếng lòng” của cử tri. Trong nhiệm kỳ mới, chính sách đối nội, đối ngoại của Ấn Độ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng. 5 năm tới được đánh giá là giai đoạn đặc biệt then chốt đối với lịch sử của Ấn Độ. Đây là nhiệm kỳ mà nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ vươn lên đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, việc để thực sự là một thế lực của nền kinh tế thế giới sẽ đòi hỏi vai trò rất lớn của chính phủ trong nhiệm kỳ mới trong việc hiện đại hóa nền kinh tế và tìm những động lực mới cho tăng trưởng.

Thứ hai, vấn đề hòa hợp dân tộc cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm mà chính phủ mới Ấn Độ cần giải quyết. Kết quả cuộc bầu cử Ấn Độ năm 2024 cho thấy một cán cân ủng hộ của cử tri đang dần cân bằng hơn giữa đảng BJP và đảng Quốc đại đối lập. Ở một số bang then chốt như Uttar Pradesh, bang lớn nhất của Ấn Độ với dân số lên tới hơn 240 triệu người, đảng Quốc đại cùng với liên minh của mình thậm chí còn chiếm ưu thế, một kịch bản hoàn toàn trái ngược so với cuộc bầu cử năm 2019. Một mặt, điều này phản ánh sự lớn mạnh của đảng Quốc đại đối lập; song mặt khác, cho thấy tình trạng chia rẽ giữa các bộ phận cử tri trong đời sống chính trị-xã hội Ấn Độ đang diễn ra sâu sắc. Do đó, yêu cầu cấp thiết đối với chính phủ mới là thực hiện các chính sách hòa hợp dân tộc, bảo đảm quyền và lợi ích chính trị hợp pháp, chính đáng của các đảng phái.

Thứ ba, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cho người dân. Mặc dù là nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, song tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ vẫn ở mức cao. Theo The Economic Times, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ là 7,45% vào tháng 2/2024, tương đương 33 triệu người không có việc làm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người theo danh nghĩa ở Ấn Độ chỉ là khoảng 2.700 USD, xếp thứ 136 thế giới, bộc lộ sự phân hóa giàu-nghèo đang diễn ra nghiêm trọng ở Ấn Độ. Tại Mumbai, nơi những biệt thự của các tỷ phú tài phiệt nằm cạnh những khu ổ chuột rộng lớn và những người ăn xin trên đường phố.

Thứ tư, bảo đảm môi trường an ninh quốc gia. Trong bối cảnh thực tế địa chính trị khu vực đang thay đổi, Chính phủ Ấn Độ cần đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội nhằm bảo đảm môi trường an ninh quốc gia. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ năm 2023 tăng 4,2% so với năm trước đó. Sự tăng trưởng này phản ánh ưu tiên chiến lược của quốc gia Nam Á này trong việc tăng cường năng lực quốc phòng và củng cố cơ sở hạ tầng quân sự, nhất là ở khu vực dọc biên giới với Trung Quốc. Hiện nay, mặc dù đang duy trì hợp tác chặt chẽ, song vấn đề tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Cuối tháng 3/2024, căng thẳng giữa hai nước leo thang khi Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần của miền Nam Tây Tạng, song New Delhi bác bỏ tuyên bố này, nói rằng vùng lãnh thổ trên luôn là một phần của Ấn Độ.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng chiến lược. Việc Thủ tướng Modi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp như thông điệp về một chính phủ ổn định để tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại vốn đã đạt được những thành quả nhất định trong 10 năm qua. Theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng chiến lược với Nga, Mỹ, Trung Quốc; mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN,...; tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương mà Ấn Độ là quốc gia thành viên, như Nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)... để không ngừng củng cố vai trò, vị thế trên trường quốc tế.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bau-cu-an-do-2024-cuoc-dua-gay-can-den-phut-chot-215983.htm