Bầu cử Đức: Liên minh chiến thắng tuyên bố sẽ 'độc lập với Mỹ'

Thủ lĩnh của liên minh CDU/CSU về nhất trong cuộc bầu cử, ông Friedrich Merz, cam kết sẽ đưa nước Đức 'đạt tới sự độc lập' khỏi Mỹ...

Chính trị gia Đức Friedrich Merz - Ảnh: Bloomberg.

Chính trị gia Đức Friedrich Merz - Ảnh: Bloomberg.

Cuộc bầu cử quốc hội liên bang Đức diễn ra vào ngày 23/2 ở Đức đã khép lại với chiến thắng của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). Thủ lĩnh của liên minh này, ông Friedrich Merz, cam kết sẽ đưa nước Đức “đạt tới sự độc lập” khỏi Mỹ.

Được dự báo giành tỷ lệ phiếu 29%, khối trung hữu của ông Merz vẫn cần liên minh với một đảng khác để có thể đạt tới đa số ghế vững chắc trong Quốc hội. Việc thành lập một liên minh như vậy được đánh giá là không hề đơn giản trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nhiều thay đổi lớn cả về kinh tế và chính trị. Cuộc bầu cử này đã chứng kiến sự dịch chuyển của chính trường Đức theo hướng hữu, với đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) về nhì, đạt tỷ lệ phiếu cao nhất từ trước đến nay của đảng này là khoảng 21%.

Vài giờ sau khi các cuộc thăm dò kết thúc, ông Merz tuyên bố rằng Đức phải thay đổi cơ bản các thỏa thuận an ninh của nước này và chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài hàng thập kỷ vào Washington, vì Tổng thống Mỹ Donald Trump “về cơ bản là thờ ơ” với số phận của châu Âu.

“Tôi giữ liên lạc chặt chẽ với nhiều vị thủ tướng - những người đứng đầu chính phủ trong Liên minh châu Âu (EU). Và ưu tiên tuyệt đối phải là củng cố châu Âu càng nhanh càng tốt, để từng bước chúng ta thực sự độc lập khỏi Mỹ”, ông Merz nói. “Tôi từng không nghĩ mình lại phải nói điều gì đó như thế, nhưng sau những tuyên bố của ông Trump, có thể thấy rõ ràng là người Mỹ, ít nhất là chính phủ Mỹ này, phần lớn thờ ơ với số phận của châu Âu”.

Ông Merz cũng nói ông cảm thấy không chắc chắn về tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cho rằng Mỹ can thiệp vào chiến dịch tranh cử vừa qua ở Đức. Chính quyền ông Trump đã công khai thân mật với AfD và chỉ trích các chính trị gia chính thống của Đức vì từ chối hợp tác với đảng này - một đảng đã khơi lại các khẩu hiệu thời Đức quốc xã, kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Nga và chủ trương trục xuất hàng loạt người di cư.

Gần đây, châu Âu đã lo ngại bị ông Trump “qua mặt” khi Mỹ khởi động đàm phán trực tiếp với Nga về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và đe dọa sẽ rút các đảm bảo an ninh của Mỹ đối với châu Âu. Đức là nơi có lực lượng Mỹ đồn trú lớn nhất ở châu Âu.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, ông Trump ngày 23/2 mô tả kết quả bầu cử ở Đức là bằng chứng cho thấy “người dân Đức đã mệt mỏi với chương trình nghị sự vô nghĩa, đặc biệt là về năng lượng và nhập cư, đã tồn tại trong nhiều năm”.

Phó thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức, ông Robert Habeck, cho rằng nước này đang đối mặt với một “thách thức lịch sử” đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp. “Mỹ không chỉ bỏ lại châu Âu phía sau, họ còn đang chống lại châu Âu”, ông Habeck - một thành viên Đảng Xanh - nói.

Ông Merz có rất ít lựa chọn ngoài việc thành lập liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz - đảng đã giành được hơn 16% số phiếu bầu, kết quả tồi tệ nhất của đảng này kể từ năm 1887. Nhưng hiện chưa rõ liệu ông Merz có lập được một liên minh cầm quyền đủ mạnh để thúc đẩy những cải cách cơ bản hay không, bao gồm cả việc sửa đổi giới hạn nợ công được quy định trong Hiến pháp Đức.

“Tôi biết thử thách lớn đang ở phía trước. Tôi tiếp cận vấn đề này với sự tôn trọng lớn nhất. Và tôi biết rằng việc này sẽ không hề dễ dàng”, ông Merz thừa nhận.

Theo dữ liệu thăm dò cho thấy tỷ lệ cử tri Đức đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này đạt 84% - mức cao nhất kể từ khi thống nhất nước Đức vào năm 1990. Kết quả cuộc bầu cử đánh dấu một bước dịch chuyển lớn về phía cánh hữu ở Đức sau một loạt các cuộc tấn công gây chết người do người nhập cư gây ra dẫn tới tâm lý chống người nhập cư trong cử tri nước này.

Cử tri Đức đã quay lưng lại với liên minh của ông Scholz với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực eurozone - đã trì trệ trong hai năm qua, trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp của nước này trầy trật vì giá năng lượng cao và sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Nhà kinh tế Holger Schmieding tại ngân hàng Berenberg cảnh báo về “rủi ro nghiêm trọng” trong đó các đảng bên lề có thể đủ mạnh để ngăn chặn việc thay đổi Hiến pháp Đức. “Nếu vậy, họ có thể phủ quyết bất kỳ việc nới lỏng phanh nợ nào được quy định trong Hiến pháp”, ông Schmieding nhấn mạnh, nói thêm rằng việc gia tăng giới hạn nợ công là cần thiết vì việc tăng chi tiêu cho quân đội và Ukraine cũng như giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động và các công ty là “rất quan trọng” để đưa nền kinh tế Đức hồi phục.

CEO Christian Stitch của ngân hàng Deutsche Bank nhận định Đức “đang cần một chính phủ vừa có đủ năng lực vừa sẵn sàng hành động - và Đức cần điều đó một cách nhanh chóng”.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bau-cu-duc-lien-minh-chien-thang-tuyen-bo-se-doc-lap-voi-my.htm