Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở Đức
Ngày 23/2, hơn 59 triệu cử tri Đức tham gia bầu cử Quốc hội trong bối cảnh đất nước đối mặt với thách thức kinh tế - xã hội và biến động chính trị toàn cầu. Kết quả cuộc bầu cử này có thể tác động mạnh mẽ đến cục diện chính trị của Đức và châu Âu khi các đảng cực hữu ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Sự bất mãn về kinh tế, lạm phát cao và chi phí sinh hoạt tăng khiến người dân Đức bi quan về mức sống. Đồng thời, thái độ cứng rắn hơn đối với nhập cư sau khủng hoảng di cư năm 2015 đã tạo môi trường thuận lợi cho các đảng cực hữu mở rộng ảnh hưởng.

Người dân Đức đi bầu cử. Ảnh: CNN
Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã tận dụng tốt sự bất mãn này để tăng tỷ lệ tín nhiệm lên 20%, gấp đôi so với năm 2021, đặc biệt, tại miền Đông Đức - nơi kinh tế kém phát triển.
Sự ủng hộ từ CEO Tesla Elon Musk cũng giúp AfD gia tăng uy tín và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong dư luận. Trong khi đó, các đảng truyền thống như Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của ông Friedrich Merz và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz đang đối mặt với nguy cơ mất ghế và suy giảm ảnh hưởng, có thể dẫn đến liên minh chính phủ phức tạp và trì trệ chính sách.
Sự trỗi dậy của AfD có thể khiến Đức áp dụng chính sách nhập cư cứng rắn và bảo thủ hơn trong các vấn đề của Liên minh châu Âu (EU), gây căng thẳng với các đối tác EU. Điều này có thể tạo hiệu ứng domino, khuyến khích các đảng cực hữu khác ở châu Âu gia tăng hoạt động, làm thay đổi cấu trúc quyền lực hiện tại của EU và gây bất ổn chính trị khu vực.
Nếu các đảng truyền thống tìm ra giải pháp giảm bớt bất mãn của cử tri và hình thành liên minh ổn định, họ có thể ngăn chặn đà phát triển của cực hữu. Ngược lại, nếu AfD giành được nhiều ghế, quá trình thành lập chính phủ sẽ kéo dài, trì hoãn chính sách kinh tế và tạo khoảng trống lãnh đạo tại "trung tâm châu Âu".
Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Đức cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới EU. Nếu chính sách cực hữu lên ngôi, châu Âu có thể đối mặt với sự phân rã và chủ nghĩa dân túy sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn khu vực.
Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở Đức phản ánh những bất ổn kinh tế - xã hội nội tại và sự thay đổi lớn trong bức tranh chính trị châu Âu. Cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này có thể đánh dấu bước ngoặt lớn, cần được theo dõi chặt chẽ để đánh giá tác động của AfD và các đảng cực hữu tới sự ổn định chính trị của Đức và châu Âu.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/su-troi-day-cua-cac-dang-cuc-huu-o-duc-i759954/