Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris như 'hổ mọc thêm cánh'

Các cuộc điều tra cho thấy số người ủng hộ bà Harris đang vượt trội so với ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump.

Bà Harris được tiếp thêm động lực trên đường đua

Ngày 21/8 (theo giờ địa phương), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chấp nhận đề cử của Đảng Dân chủ, chính thức trở thành ứng viên đại diện đảng này tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.

Việc chính thức được đề cử đã tiếp thêm động lực cho bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Kể từ khi ra tranh cử, bà Kamala Harris đã liên tục chứng tỏ là một ứng viên sáng giá cho chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Các cuộc điều tra cho thấy số người ủng hộ bà Harris đang vượt trội so với ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump.

Từ trước khi Đảng Dân chủ tổ chức Đại hội Đảng hôm 20/8, bà Harris đã được xác định là ứng viên đại diện đảng này ra tranh cử tổng thống. Cuộc bỏ phiếu ở Đại hội Đảng Dân chủ là bước cuối cùng để bà Harris chính thức trở thành ứng viên tổng thống và tiếp thêm động lực trên đường đua. Bà Harris đã không có mặt tại đại hội, thay vào đó, bà đang bận rộn với chiến dịch vận động tranh cử ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại Milwaukee, bà Harris cho biết bà rất vinh dự trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Chúng tôi rất vinh dự khi được các bạn đề cử. Đây là một chiến dịch do mọi người thúc đẩy và chúng ta sẽ cùng nhau vạch ra một con đường mới hướng tới tương lai cho tự do, cơ hội lạc quan và đức tin.

Kamala Harris - Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ.

Tại Đại hội của Đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đã tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhân vật hàng đầu trong đảng, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu: "Vào thời điểm hàng triệu người dân của chúng ta đang ốm đau và hấp hối, chúng ta cần một nhà lãnh đạo có bản lĩnh gạt bỏ chính trị sang một bên và làm điều đúng đắn. Vào thời điểm nền kinh tế của chúng ta đang chao đảo, chúng ta cần một nhà lãnh đạo có quyết tâm thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ nhất. Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một chương mới. Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một câu chuyện hay hơn. Chúng ta sẵn sàng cho một Tổng thống Kamala Harris".

Bên cạnh sự hậu thuẫn của các thành viên chủ chốt Đảng Dân chủ dành cho bà Harris, chiến dịch tranh cử của bà còn nhận được cú hích về tài chính.

Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris đã huy động được khoảng 500 triệu USD trong bốn tuần. Ảnh: New York Times.

Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris đã huy động được khoảng 500 triệu USD trong bốn tuần. Ảnh: New York Times.

Chiến dịch của bà Harris đã huy động được khoảng 500 triệu USD trong bốn tuần kể từ khi bà tham gia cuộc đua ngày 21/7. Đây được xem là khoản tiền huy động cao chưa từng có, phản ánh sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà tài trợ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Như vậy, tổng số tiền mà bà Kamala Harris và Tổng thống Joe Biden huy động được từ trước khi ông rút khỏi cuộc đua đến nay đã lên đến hơn 1 tỷ USD, đạt mức gây quỹ nhanh nhất trong lịch sử.

Các cuộc thăm dò được tiến hành ngay trước Đại hội Đảng Dân chủ tuần này tại Chicago cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris đang có lợi thế hơn so với cựu Tổng thống Trump trên toàn quốc và ở hầu hết các tiểu bang chiến trường quan trọng. Đây là một sự đảo ngược đáng kể so với khoảng cách lớn mà Tổng thống Joe Biden đã rơi vào trước khi ông từ bỏ tranh cử một tháng trước.

Bà Harris cũng giành được một lợi thế nhỏ ở các tiểu bang dao động để giúp bà giành được đa số phiếu đại cử tri, một dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại đối với ông Trump trong những tháng cuối cùng quan trọng của chiến dịch.

Bà Harris và ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Walz tại cuộc vận động tranh cử ở Milwaukee, bang Wisconsin, ngày 20/8. Ảnh: AFP.

Bà Harris và ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Walz tại cuộc vận động tranh cử ở Milwaukee, bang Wisconsin, ngày 20/8. Ảnh: AFP.

Bà Harris hiện đã nắm giữ lợi thế ít nhất bốn điểm trong các cuộc thăm dò tại bốn tiểu bang là Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Chỉ riêng điều đó đã giúp bà Harris có đủ số phiếu đại cử tri để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, ngay cả khi bà thua ở các tiểu bang dao động khác.

Bà Harris đang vượt qua ông Biden về sự ủng hộ của cử tri da màu và cử tri gốc Tây Ban Nha, những người chiếm phần lớn tại các khu vực bầu cử ở các bang Arizona, Georgia, Nevada và Bắc Carolina.

Kết quả các cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất của Washington Post và Ipsoscho thấy bà Kamala Harris đang dẫn trước 6 điểm phần trăm, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà đạt 51% so với tỷ lệ 45% ủng hộ ông Trump. Trong khi đó, kết quả thống kê hôm 22/8 của tờ the Hill cho thấy bà Harris đang dẫn trước với 49,4%, so với tỷ lệ 46,4% dành cho cựu Tổng thống Trump.

Chính sách kinh tế có trở thành thách thức với bà Harris?

Trong lịch sử các cuộc bầu cử Mỹ, thường thì đà tăng của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ được củng cố sau Đại hội của Đảng sẽ tiếp tục duy trì cho đến ngày bầu cử. Với trường hợp của bà Harris, hiện nay bà cũng đang được tiếp thêm động lực sau Đại hội Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, với bối cảnh nền kinh tế Mỹ suy giảm trong những năm gần đây, cuộc bầu cử Mỹ năm nay sẽ không như thông thường, động lực của bà Harris khó được đảm bảo chắc chắn.

Bà Kamala Harris đã đưa ra một loạt các đề xuất kinh tế nhằm giúp bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Nhưng giờ đây bà có nguy cơ bị các nhà kinh tế và nhóm doanh nghiệp phản đối vì những chính sách đó.

Các ý tưởng kinh tế của bà Harris bao gồm tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%

Các ý tưởng kinh tế của bà Harris bao gồm tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%

Các chính sách về kinh tế phản ánh nỗ lực của bà Harris nhằm định hình thương hiệu riêng của mình. Chính sách của bà dựa trên nền tảng chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden, nhưng có những đặc điểm riêng để chống lại đối thủ Donald Trump.

Các ý tưởng kinh tế của bà Harris bao gồm tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đưa ra lệnh cấm liên bang đối với việc tăng giá trong lĩnh vực thực phẩm, thúc đẩy nguồn cung nhà ở và đưa ra nhiều ưu đãi thuế hơn cho các gia đình có trẻ em và người mua nhà lần đầu. Điểm chung của các đề xuất là sẽ giải quyết những lo ngại chung mà cử tri Mỹ nêu ra, từ lạm phát cao đến chi phí nhà ở và chi phí nuôi dạy trẻ em.

Biện pháp đánh thuế cao hơn vào các doanh nghiệp là nhằm chuyển chi phí hàng hóa mà các hộ gia đình trung lưu phải chịu sang cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế chỉ trích các biện pháp này có khả năng dẫn đến việc chính phủ quản lý quá mức nền kinh tế và gây ra những biến dạng thị trường có hại dưới hình thức kiểm soát giá, có thể đẩy giá cả hàng hóa lên cao hơn.

Ngoài ra, đề xuất của bà Harris về việc ban hành lệnh cấm liên bang đối với việc tăng giá có thể gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề, vì các luật tương tự đã thúc đẩy mọi người mua nhiều hàng hóa hơn so với bình thường.

Tất cả các nhà kinh tế đều biết rằng việc để chính phủ ấn định giá là một sai lầm thực sự lớn. Nếu chính phủ bắt đầu ấn định giá, điều chắc chắn sẽ xảy ra là giá được đặt dưới chi phí cận biên, và sau đó nguồn cung sẽ cạn kiệt.

Ông Kevin Hassett - Thành viên tại Viện Hoover của Đại học Stanford.

Một phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng các đề xuất về thuế quan của bà Harris sẽ khiến một hộ gia đình có thu nhập trung bình điển hình phải chi phí thêm ít nhất 1.700 USD một năm.

Một phần cốt lõi trong kế hoạch kinh tế của bà Harris là tăng nguồn cung nhà ở và hỗ trợ người dân mua nhà. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên các đề xuất của Tổng thống Joe Biden, bao gồm xây dựng ba triệu đơn vị nhà ở mới. Bà Harris còn kêu gọi tài trợ 25.000 USD để trả trước và tín dụng thuế cho những người mua nhà lần đầu.

Các nhà kinh tế cho rằng những nỗ lực tăng nguồn cung sẽ giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn hiện tại đang cản trở thị trường bất động sản của Mỹ và khiến giá tăng. Tuy nhiên, họ vẫn còn nghi ngờ về các nỗ lực kích thích người mua nhà.

Một bộ phận người Mỹ coi chi phí sinh hoạt là mối quan tâm chính trước cuộc bầu cử vào tháng 11.

Một bộ phận người Mỹ coi chi phí sinh hoạt là mối quan tâm chính trước cuộc bầu cử vào tháng 11.

Bà Harris cũng đề xuất khoản tín dụng thuế 6.000 USD cho trẻ em trong năm đầu đời và khôi phục khoản tín dụng thuế 3.600 USD cho trẻ em đã được thông qua trong thời kỳ đại dịch.

Phân tích của Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm cho thấy các chính sách mà bà Harris đề xuất có thể làm tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ thêm 1,7 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ, và có thể tăng lên 2 nghìn tỷ USD nếu các chính sách nhà ở được thực hiện lâu dài. Phần lớn các chi phí đó, ước tính khoảng 1,2 nghìn tỷ USD, đến từ đề xuất mở rộng khoản tín dụng thuế trẻ em của bà Harris.

Một bộ phận người Mỹ coi chi phí sinh hoạt là mối quan tâm chính trước cuộc bầu cử vào tháng 11, và cho rằng bà Harris đã không làm gì trong thời kỳ lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong bốn năm khi bà giữ chức phó tổng thống. Vì vậy chính sách kinh tế được coi là “làm tăng lạm phát” này có thể là một trở ngại đối với bà Harris trước một bộ phận cử tri.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đi chệch hướng?

Trong khi lợi thế của bà Kamala Harris đang tăng lên thì lợi thế mà ông Donald Trump giành được sau vụ ám sát hụt và sau khi ông được đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đang dần giảm đi. Đối thủ của ông Trump bây giờ không phải là Tổng thống Joe Biden nữa mà là nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Điều đó khiến chiến dịch của ông Trump có nhiều xáo trộn và chệch hướng so với dự tính ban đầu.

Bà Harris, với vai trò là phó tổng thống dưới thời Tổng thống Joe Biden gần bốn năm qua, nên dù ít hay nhiều, bà vẫn sẽ có liên quan đến toàn bộ dấu ấn của chính quyền hiện tại. Đội ngũ của ông Trump muốn tìm cách gắn bà Harris với những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Joe Biden như vấn đề nhập cư, lạm phát.

Đội ngũ của ông Trump muốn tìm cách gắn bà Harris với những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Joe Biden như vấn đề nhập cư, lạm phát. Ảnh: AP.

Đội ngũ của ông Trump muốn tìm cách gắn bà Harris với những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Joe Biden như vấn đề nhập cư, lạm phát. Ảnh: AP.

Ngoài ra, đội ngũ của ông Trump cũng hướng tới chỉ trích bà Harris quá cứng rắn khi bà còn làm công tố viên, đặc biệt là đối với những nam giới da màu phạm tội ma túy. Sự công kích này nhằm mục đích làm suy yếu sự ủng hộ từ một bộ phận cử tri dành cho bà Harris.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, ông Trump liên tục vì mải công kích cá nhân bà Harris mà đã nhiều lần bỏ qua những thông điệp đó.

Cách làm của ông Trump có hiệu quả trong quá khứ khi ông công kích cá nhân đối thủ của mình về tuổi tác và sức khỏe, khiến đối thủ phải dành thời gian để phòng thủ thay vì giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, đến nay, đội ngũ của ông Trump nghi ngờ về tính hiệu quả của các công kích cá nhân nhằm vào tôn giáo và sắc tộc của bà Harris. Ông Trump còn thường xuyên công kích bà Harris là “cực đoan” và “điên rồ”.

Ông Donald Trump không phải là Donald Trump của năm 2016. Ông ấy có vẻ chậm chạp, có vẻ quanh co, có vẻ ít năng lượng hơn và ông ấy thực sự đang rất khó khăn khi trình bày quan điểm. Ông ấy không còn thể hiện được đẳng cấp như trước đây khi ông ấy đối đầu với ông Joe Biden. Sự công kích không hiệu quả với Kamala Harris, ứng cử viên trẻ hơn và là người có nhiều năng lượng hơn.

Bà Alyssa Farah Griffin - Cựu Giám đốc truyền thông Nhà Trắng.

Một số đảng viên của Đảng Cộng hòa lo ngại những công kích của ông Trump đang lái chiến dịch tranh cử theo hướng gây chia rẽ và gây tổn hại đến chính Đảng Cộng hòa. Ông David Kochel, một chiến lược gia lâu năm của Đảng Cộng hòa cho rằng sự công kích cá nhân, đặc biệt ở khía cạnh sắc tộc, là không cần thiết và nguy hiểm.

Ngoài ra, trong khi cặp Harris - Walz của Đảng Dân chủ đang tập trung vào những chính sách như vấn đề người tị nạn và di cư, chống lạm phát, vấn đề quyền phá thai, công bằng xã hội, tôn trọng dân chủ và nhà nước pháp quyền, thì ông Trump chỉ mải công kích cá nhân, điều đó có thể gây phản ứng ngược.

Theo các nhà phân tích, ở thời điểm chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là đến bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Trump cần tìm một thông điệp mới nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri, khi phải đối đầu với một ứng viên trẻ tuổi hơn và năng động hơn, chứ không phải là công kích cá nhân như hiện nay.

Chỉ trong vòng một tháng, từ khi ra tranh cử Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đã giúp Đảng Dân chủ đảo ngược tình thế. Từ chỗ rạn nứt nội bộ và lép vế trước Đảng Cộng Hòa, đến nay, Đảng Dân chủ đã đoàn kết đề cử bà Harris là ứng viên đại diện cho đảng ra tranh cử. Đây là động lực lớn giúp bà tiếp tục đà tiến mạnh mẽ trong cuộc đua đang diễn ra gay cấn, khiến niềm tin chiến thắng của đối thủ Donald Trump trở nên lung lay.

Hà Thu

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bau-cu-my-2024-ba-harris-nhu-ho-moc-them-canh-260424.htm