Bầu cử Mỹ và những tác động trong quan hệ Mỹ - Anh

Nước Mỹ đang ngày càng tiến gần đến cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới đây. Chủ đề này không chỉ 'nóng' tại Mỹ, mà còn đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia khác, nhất là với Anh - đồng minh trung thành hàng đầu của Mỹ.

Quân đội Mỹ (bên trái) và quân đội Anh trong một cuộc tập trận chung vào năm 2023. Ảnh: Quân đội Anh

Quân đội Mỹ (bên trái) và quân đội Anh trong một cuộc tập trận chung vào năm 2023. Ảnh: Quân đội Anh

Kịch bản ông Donald Trump trở lại nắm quyền

Truyền thông Anh dẫn lời những nhà quan sát chính trị quốc tế cho biết, trong nhiệm kỳ Tổng thống 2017-2021, ông Donald Trump đã cho thấy quan điểm thờ ơ đối với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Điều này đã nhiều lần gây “sóng gió” và những lo lắng, e ngại của những quốc gia sát cánh với Mỹ, đặc biệt là Anh. Những diễn biến trong cuộc bầu cử Mỹ hiện đang rất gay cấn, cho thấy ông Trump vẫn “sáng cửa” chiến thắng để quay trở lại nắm quyền điều hành nước Mỹ. Trong kịch bản này, chắc chắn Anh có thể sẽ rất vất vả để duy trì được sự bền vững của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ.

Theo nhận định của Giáo sư an ninh quốc tế Wyn Rees tại Trường Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Nottingham (Anh), một trong những đặc điểm nổi bật nhất của ông Trump là thách thức tính chính thống. Diễn biến gần đây nhất, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 7 tới, ông Trump cảnh báo, Mỹ sẽ chỉ sẵn sàng bảo vệ các thành viên của liên minh chi đủ 2% GDP cho quốc phòng. Thông điệp này thể hiện thái độ, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của ông Trump từ trước tới nay. Ông Trump thường chỉ trích các đồng minh chi tiêu quốc phòng không đủ nhưng vẫn luôn được Mỹ bảo vệ quân sự miễn phí.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, có những khác biệt lớn so với nhiệm kỳ trước của ông Trump, đó là tình trạng bất ổn an ninh châu Âu bùng nổ và diễn biến phức tạp, chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Trong khi Mỹ đang có những ưu tiên hỗ trợ cho vấn đề này, ông Trump gần đây khẳng định, an ninh châu Âu không phải ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy, nếu ông Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ sau cuộc bầu cử, chắc chắn sẽ có nhiều “sóng gió” giữa Mỹ với các đồng minh.

Truyền thông Anh cho hay, thực tế trong nhiệm kỳ 2017-2021 của ông Trump, quan hệ ngoại giao Mỹ - Anh đã có nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, chính quyền nước này dường như cho thấy những động thái lo lắng về việc ông Trump thắng cử. Bởi Anh có quan hệ song phương rất tốt đẹp với Mỹ, còn trong NATO, Anh là đồng minh trung thành nhất của Mỹ - siêu cường có vai trò lãnh đạo quan trọng trong khối. Anh cũng được xem là “cầu nối” giữa Mỹ và châu Âu, nên nếu ông Trump trở thành tổng thống, Anh sẽ phải sử dụng tất cả những nguồn lực sẵn có của mình để duy trì mối quan hệ, vì lợi ích của chính nước Anh và cả châu Âu. Anh sẽ cần nỗ lực rất lớn, không chỉ trên chính trường mà còn cả nỗ lực của lực lượng quân đội nước này.

Giáo sư Wyn Rees nhìn nhận, khi ông Trump đang gieo rắc nghi ngờ về cam kết của Mỹ với NATO, Anh sẽ phải nỗ lực triển khai kỹ năng chính trị và ngoại giao tốt nhât của mình để hạn chế những ý định của Pháp về quyền tự chủ chiến lược ở châu Âu và thuyết phục Mỹ rằng lục địa này đáng được bảo vệ.

Nỗ lực duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Gần đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đến thăm Ba Lan và Đức, đưa ra cam kết hỗ trợ thêm 3 tỷ bảng Anh để giải quyết bất ổn an ninh châu Âu. Anh đã thể hiện cam kết của mình đối với việc chia sẻ gánh nặng trong NATO bằng cách thành lập một nhóm tác chiến ở Estonia và tiến hành giám sát trên không ở vùng Baltic. Cùng với giới tinh hoa chính trị và ngoại giao, các lực lượng vũ trang của Anh cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Quân đội Anh luôn mong muốn trở thành đối tác được Mỹ lựa chọn, quốc gia mà họ hướng tới trong các vấn đề hợp tác quốc phòng. Hàng thập kỷ qua, quân đội Anh tích cực tăng cường hợp tác với quân đội Mỹ với nhiều mối quan hệ đan xen. Trong bối cảnh bị thu hẹp quy mô tổ chức, quân đội Anh đang phải đối diện với thách thức rất lớn trong việc duy trì vai trò của Mỹ trong NATO, cũng như quan hệ Mỹ - Anh. Việc cố gắng duy trì mối quan hệ hợp tác quân sự với một siêu cường trong bối cảnh nguồn lực đang ngày càng suy giảm là điều khó khăn.

Trong khi Thủ tướng Rishi Sunak cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của Anh từ 2,3% lên 2,5% GDP vào cuối thập kỷ này là một sự thúc đẩy đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, tình trạng suy giảm nguồn lực cho các lực lượng vũ trang Anh hiện nay càng tạo ra nhiều thách thức trong việc gắn kết với Mỹ. Thực tế hiện nay, trong NATO, Anh đang là quốc gia có nhiều nỗ lực chia sẻ gánh nặng cùng với Mỹ. Ở góc độ quan hệ Mỹ - Anh, cường quốc châu Âu cũng muốn chứng tỏ rằng, mình sẵn sàng gánh vác một phần gánh nặng quốc phòng của phương Tây, như điều Mỹ thường mong muốn, từ đó thúc đẩy cả sự tương tác và sự tin tưởng.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế cùng chung nhận định, trong thời gian tới, Anh sẽ cần tìm cách tận dụng các mối quan hệ thể chế của mình với các lực lượng Mỹ để duy trì sự hợp tác. Dự báo cho thấy, Anh sẽ cho thấy những động thái thiện chí với Mỹ, điều này hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự tồn tại bền vững trước những diễn biến phức tạp có thể xảy ra trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sắp tới. Đồng thời, các nỗ lực của Anh cũng sẽ giúp duy trì sự bền vững của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những biến động khó lường của thế giới trong những năm gần đây và dự báo còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Theo Giáo sư an ninh quốc tế Wyn Rees, Mỹ có khả năng lãnh đạo tuyệt đối ở phương Tây với sự phù hợp giữa giá trị và tầm nhìn chiến lược. Đây là cơ sở quan trọng để Anh luôn muốn duy trì mối liên kết chặt chẽ với Mỹ để tìm cách đảm bảo rằng lợi ích của mình được ưu tiên trong các kế hoạch của Mỹ. Vì vậy, Anh sẽ cần phải có đóng góp những yếu tố vật chất mà Mỹ coi trọng.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bau-cu-my-va-nhung-tac-dong-trong-quan-he-my-anh-post476487.html