Chi tiết thỏa thuận Nga-Triều Tiên: Lập tức hỗ trợ quân sự nếu nước kia bị tấn công vũ trang, Moscow nói chỉ là lập trường phòng thủ thuần túy

Ngày 20/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) vừa đăng tải toàn văn Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện với Nga được nguyên thủ hai nước ký kết trong cuộc gặp ở Bình Nhưỡng trước đó một ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 19/6 tại Bình Nhưỡng. (Nguồn: KCNA)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 19/6 tại Bình Nhưỡng. (Nguồn: KCNA)

Tổng cộng, tài liệu bao gồm 23 điều, trong đó, có một số điều đáng chú ý:

Điều 1 nêu rõ, hai bên sẽ hình thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không xâm lược lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng và các nguyên tắc pháp lý quốc tế khác liên quan quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước, có tính đến luật pháp và nghĩa vụ quốc tế của nước mình. Duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài.

Trong Điều 2, Triều Tiên và Nga nhất trí trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương cũng như quốc tế và tăng cường “sự hỗ trợ và hợp tác chung trên trường quốc tế”.

Theo Điều 3, trong trường hợp có đe dọa trực tiếp xâm lược vũ trang chống lại Moscow hoặc Bình Nhưỡng, hai bên phải “thỏa thuận về các biện pháp thực tế khả thi để phối hợp lập trường của nhau, phù hợp với yêu cầu của một trong hai bên và đảm bảo hợp tác nhằm loại bỏ mối đe dọa”. Khi đó, các cuộc đàm phán song phương sẽ bắt đầu ngay lập tức.

Điều quan trọng của thỏa thuận mà các phương tiện truyền thông thế giới cũng như nhiều nước chú ý nằm ở Điều 4, theo đó “nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh do bị một hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự bằng tất cả các phương tiện sẵn có theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp của Triều Tiên và Nga”.

Quy định này gần như hoàn toàn giống với Điều 1 của Hiệp ước Hữu nghị và Tương trợ giữa Liên Xô và Triều Tiên năm 1961, ngoại trừ việc đề cập Hiến chương LHQ và luật pháp hai nước.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay, điều khoản mới phản ánh “lập trường phòng thủ thuần túy. Nếu ai đó nhìn thấy điều gì không đúng đắn và phản đối điều khoản này chỉ có thể là những người đang có kế hoạch gây hấn chống Triều Tiên hoặc Nga”.

Điều 5 cấm Moscow và Bình Nhưỡng ký kết với nước thứ ba thỏa thuận “đe dọa chủ quyền và an ninh của bên kia”; Nga và Triều Tiên “không được cho phép nước thứ ba sử dụng lãnh thổ của mình để xâm phạm chủ quyền, an ninh và quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của bên kia”.

Điều 6 nhấn mạnh, hai bên ủng hộ các chính sách và biện pháp yêu chuộng hòa bình của nhau nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, ổn định, bảo vệ quyền phát triển và tích cực hợp tác thực hiện các chính sách này nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới công bằng và đa cực.

Điều 8 bao gồm quy định “thiết lập các hệ thống hành động chung nhằm tăng cường khả năng phòng thủ để ngăn chặn chiến tranh và đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế”.

Moscow và Bình Nhưỡng cũng cam kết sẽ không sử dụng “các biện pháp cưỡng chế đơn phương, bao gồm cả các biện pháp có tính chất ngoài lãnh thổ” chống lại nhau và coi chúng là bất hợp pháp và trái với Hiến chương LHQ theo Điều 16.

Hai nước nhất trí cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia theo Điều 17, cũng như hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin Điều 18.

Điều 23 nói rằng, thỏa thuận có giá trị vô thời hạn. Nếu Nga hoặc Triều Tiên muốn rút khỏi thỏa thuận, họ sẽ phải thông báo cho bên kia bằng văn bản. Thỏa thuận sẽ chấm dứt sau một năm kể từ ngày nhận được thông báo.

Những điều còn lại trong thỏa thuận quy định về hợp tác mở rộng trong thương mại, kinh tế, đầu tư, khoa học và công nghệ, bao gồm cả lĩnh vực không gian và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trước sự gắn kết Moscow-Bình Nhưỡng ngày càng khăng khít sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng từ 18-19/6, đặc biệt là việc đề cập rõ ràng về hợp tác công nghệ-quân sự, Hàn Quốc và Nhật Bản đều lên tiếng bày tỏ sự lo ngại.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chi-tiet-thoa-thuan-nga-trieu-tien-lap-tuc-ho-tro-quan-su-neu-nuoc-kia-bi-tan-cong-vu-trang-moscow-noi-chi-la-lap-truong-phong-thu-thuan-tuy-275678.html