Bầu cử Quốc hội Pháp: Cử tri trước những lựa chọn khó khăn

Chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp chính thức bắt đầu từ rạng sáng 17.6 trong bối cảnh cử tri Pháp đang chia rẽ giữa việc ủng hộ và phản đối đảng Tập hợp quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen, đảng đang được dự đoán sẽ giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới.

Lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen trong một phát biểu tranh cử. Ảnh: Bloomberg

Lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen trong một phát biểu tranh cử. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội và đề nghị tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Theo quy định, các ứng cử viên có thời hạn đến nửa đêm ngày 16.6 để đăng ký tranh cử và chiến dịch vận động bầu cử chính thức bắt đầu vào rạng sáng ngày 17.6. Cuộc bỏ phiếu vòng một sẽ được tổ chức vào ngày 30.6 trong khi vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 7.7.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen đang trên đà trở thành đảng lớn nhất tại Quốc hội Pháp, một viễn cảnh có thể trở thành “trận động đất” trên chính trường châu Âu, khiến các đối tác quốc tế của Pháp, các nhà đầu tư và một bộ phận công chúng Pháp vô cùng lo ngại.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của Ifop được công bố hôm 16.6 trên tờ Le Journal Du Dimanche, đảng Tập hợp Quốc gia đang trên đà giành được 35% số phiếu bầu trong vòng đầu tiên vào ngày 30.6. Mặt trận Bình dân thiên tả sẽ đứng thứ hai với 26% trong khi đảng Phục hưng của Tổng thống Macron đứng thứ ba với 19%. Tuy nhiên, ông Macron đã loại trừ khả năng sẽ từ chức bất kể kết quả bỏ phiếu ra sao.

Đảng cực hữu hướng hình ảnh ôn hòa

Phát biểu với tờ Le Figaro ngay trước chiến dịch tranh cử, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cho biết bà sẽ không nỗ lực lật đổ Tổng thống Emmanuel Macron nếu đảng của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. "Tôi tôn trọng thể chế và tôi không thúc đẩy sự hỗn loạn. Nếu giành chiến thắng, sẽ có sự chung sống chính trị giữa đảng Tập hợp Quốc gia và Tổng thống của đảng Phục hưng”.

Tuyên bố trên của bà cho thấy, đảng cực hữu của bà Le Pen đang cố gắng tiếp cận các cử tri chính thống trong bối cảnh lực lượng này đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về viễn cảnh Quốc hội Pháp sẽ do đảng cực hữu kiểm soát. Bà cũng đang dành nhiều nỗ lực để dịu đi hình ảnh “cực đoan” mà người ta vẫn nhìn nhận về phong trào của bà.

Mối băn khoăn của cử tri

Trong khi một bộ phận cử tri trẻ ở Pháp đặc biệt ủng hộ đảng cực hữu thì cuối tuần qua, hàng chục nghìn người Pháp đã xuống đường để phản đối lập trường của đảng này về các vấn đề nhân quyền, môi trường và kinh tế.

Những người ôn hòa ở Pháp đặc biệt lo ngại về quan điểm cực đoan của đảng RN khi đảng này từng vận động để rút Pháp khỏi khu vực sử dụng đồng euro cũng như có thái độ hoài nghi châu Âu. Đảng này do cha của bà Le Pen thành lập với quan điểm bài ngoại, bài Do Thái, phủ nhận nạn diệt chủng của Đức quốc xã và chống người nhập cư. Trong chiến dịch vận động cho bầu cử tổng thống năm 2022, bà đã đề xuất các biện pháp cứng rắn trong chính sách nhập cư của Pháp như trục xuất những người di cư không có giấy tờ.

Trong khi đó nhà lãnh đạo Jordan Bardella, người có thể được bổ nhiệm làm Thủ tướng tương lai nếu đảng Tập hợp quốc gia giành chiến thắng, đã miêu tả tình trạng nhập cư là một mối đe dọa đối với văn hóa Pháp và tán thành thuyết âm mưu rằng những người châu Âu da trắng theo đạo Thiên chúa đang bị thay thế bởi những người di cư Hồi giáo và ngoại lai.

Bên cạnh đó, trong cấu trúc thể chế của Pháp, Tổng thống chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng thủ tướng mới là người kiểm soát các vấn đề trong nước như chính sách tài khóa và đây cũng là điểm khiến dư luận lo ngại.

Nếu đảng Đổi mới của ông Macron để mất thế đa số, ông Macron sẽ phải “chung sống” chính trị với một Thủ tướng của đảng Tập hợp quốc gia, nhiều khả năng là Jordan Bardella, và phải làm việc với một Quốc hội do đảng này kiểm soát. Trong trường hợp đó, ông Macron sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi thúc đẩy Quốc hội thông qua các chính sách của mình.

Tổng thống Macron từng cam kết sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách như một lời hứa tranh cử, các nhà đầu tư lo ngại rằng tình hình có thể xấu đi nhanh chóng dưới một chính phủ dân túy do Le Pen và Jordan Bardella điều hành.

Đảng Tập hợp quốc gia vẫn chưa đưa ra các đề xuất chính sách một cách chi tiết, nhưng họ cho biết sẽ cắt giảm thuế đối với nhiên liệu và năng lượng với chi phí khoảng 20 tỷ euro (21 tỷ USD); đồng thời cam kết giành lại quyền kiểm soát chính sách năng lượng từ Liên mình châu Âu - đây được coi là một trong những nội dung chiếm được cảm tình của một bộ phận cử tri, đặc biệt là giới nông dân. Đảng này cũng hứa sẽ giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 và tăng lương ở một số lĩnh vực công.

Thống đốc Ngân hàng Pháp Francois Villeroy de Galhau cho rằng, chính phủ tiếp theo phải nhanh chóng làm rõ chính sách kinh tế của mình, trong khi Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, một đồng minh thân cận của ông Macron, cảnh báo rằng chiến thắng của bà Le Pen sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở Pháp.

Quỳnh Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/bau-cu-quoc-hoi-phap-cu-tri-truoc-nhung-lua-chon-kho-khan-i375888/