Bầu cử Quốc hội Pháp khóa XVI: Tiềm ẩn cơn ''địa chấn'' với chính trường
Kết thúc vòng bầu cử thứ II Quốc hội khóa XVI nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron đã không thể giành đa số ghế. Điều này khiến giới quan sát lo ngại những bất ổn chính trị tiềm ẩn có thể trở thành những cơn "địa chấn" đối với các nỗ lực triển khai đối sách giải quyết khó khăn của đất nước.
Các nhân viên kiểm phiếu tại điểm bầu cử ở Cambrai (Nord-Pas de Calais, Pháp).
Đúng một tuần sau vòng bầu cử đầu tiên, các điểm bỏ phiếu trong lục địa Pháp ngày 19-6 (giờ địa phương) đã mở cửa để cử tri bỏ phiếu vòng II Quốc hội khóa XVI. Do đã có 5 ứng cử viên trúng cử ngay vòng I, nên 572 ghế Quốc hội còn lại trở thành mục tiêu cạnh tranh của 1.148 ứng cử viên.
“Vòng chung kết” đặc biệt thu hút sự chú ý, khi tiếp tục chứng kiến cuộc chạy đua quyết liệt giữa liên minh trung hữu “Ensemble!” (Cùng nhau!) ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron - gồm các đảng: Cộng hòa tiến bước, Phong trào Dân chủ và Những chân trời, với đối thủ chính liên minh cánh tả NUPES - gồm các đảng: Nước Pháp bất khuất, đảng Xã hội, đảng Châu Âu sinh thái - Xanh, và Đảng Cộng sản Pháp. Mặt khác, vòng II cũng chứng kiến sự có mặt của cả 15 bộ trưởng của chính phủ mới và bản thân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Đây là những ứng cử viên tuy đạt số phiếu cao trong vòng I, nhưng chưa đủ điều kiện trúng cử ngay mà phải bước vào vòng II.
Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng được Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 20-6, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron chiếm ưu thế tuyệt đối. Cụ thể, “Cùng nhau!” giành được 245 ghế, vượt trội so với lực lượng đối thủ của chính trị gia Jean-Luc Mélenchon (135 ghế). Ở vị trí thứ ba là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu của bà Marine Le Pen với 89 ghế. Tuy nhiên, kết quả này khiến giới quan sát lo lắng, bởi liên minh của Tổng thống E.Macron đã không thể giữ được quyền kiểm soát Quốc hội - vốn cần 289 ghế để chiếm đa số. Cùng với đó, cựu Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand và Bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon đều mất ghế. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1988, một Tổng thống Pháp mới được bầu không giành được đa số trong bầu cử Quốc hội.
Việc liên minh “Cùng nhau!” không thể chiếm đa số ghế Quốc hội là diễn biến được giới phân tích nhận định sẽ mang tới nhiều rủi ro cho chính trường Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos gọi đây là “cơn địa chấn”, trong khi Reuters cho rằng kết quả bầu cử là “cú sốc với nền dân chủ Pháp”. Lý do là sự phân hóa sẽ đặt ra thách thức trong việc thúc đẩy các dự luật, thậm chí là tê liệt chính trị và những cuộc cải tổ nội các ngoài mong muốn… Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne dự báo, đây sẽ là “một nguy cơ” đối với đất nước xét trên quan điểm về những thách thức đang phải đối mặt. Bày tỏ thất vọng trước kết quả bầu cử, Bộ trưởng Ngân sách Gabriel Attal nhấn mạnh, kết quả bầu cử vòng II “còn xa so với kỳ vọng”...
Trong bối cảnh trên, các ý kiến cho rằng, lối thoát duy nhất cho những rủi ro là Tổng thống E.Macron phải đàm phán liên minh được với các lực lượng chính trị khác. Đây là lựa chọn tích cực hơn so với việc một chính phủ thiểu số phải đàm phán các dự luật với những đảng phái khác trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Đáng mừng, việc thiết lập thế đa số cũng chính là mục tiêu đã được Chính phủ Pháp ưu tiên theo đuổi. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Olivia Gregoire khẳng định, Điện Elysee sẽ tiếp xúc với tất cả các đảng ôn hòa để tìm cách thiết lập thế đa số tại Quốc hội.
Trước một kết quả bầu cử nhiều rủi ro, giờ là lúc bộ máy điều hành nước Pháp cần dồn sức bảo đảm khả năng tiến hành những chương trình cải cách cần thiết để đưa nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực đồng Euro (Eurozone) ra khỏi những khó khăn trước mắt, đặc biệt là nguồn cung thực phẩm và năng lượng bị bó buộc khiến lạm phát tăng vọt và tài chính hộ gia đình bị xói mòn.