Bầu cử Tổng thống Iran: Tìm người mới giải những bài toán cũ

Ngày mai, 28/6, hàng chục triệu cử tri Iran sẽ bước vào cuộc bầu cử trước thời hạn để chọn ra vị nguyên thủ mới sau vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Ibrahim Raisi tử nạn hồi tháng trước.

Người dân Iran phất cờ bày tỏ ủng hộ ứng viên Mohammad Bagher Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội, cựu Thị trưởng Tehran, ngày 19/6 tại Tehran. (Nguồn: AP)

Người dân Iran phất cờ bày tỏ ủng hộ ứng viên Mohammad Bagher Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội, cựu Thị trưởng Tehran, ngày 19/6 tại Tehran. (Nguồn: AP)

Sức hút đặc biệt

Iran, một trong các quốc gia có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong thế giới Hồi giáo và các vấn đề của khu vực. Đặc biệt khi 'chảo lửa' Trung Đông đang nóng lên bởi các cuộc xung đột cùng với cuộc đối đầu giữa Tehran với Mỹ và phương Tây tiếp tục bế tắc đã khiến cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Iran là tâm điểm chú ý không chỉ ở khu vực mà còn ở phạm vi toàn cầu.

Sức nóng của cuộc chạy đua ngay từ đầu đã được thể hiện với số ứng viên lên tới 278 người. Thế nhưng, Ủy ban bầu cử Iran chỉ chấp nhận đơn của 80 chính trị gia để đưa vào danh sách ứng cử viên cho chiếc ghế vốn để trống sau khi Tổng thống Raisi tử nạn.

Ở Iran, Tổng thống là người có quyền lực thứ hai sau Lãnh đạo tối cao, được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm. Theo Hiến pháp Iran, Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp thực hiện quyền kiểm soát các cuộc bầu cử, trong đó có các cuộc bầu cử Tổng thống. Hiến pháp Iran cũng quy định rằng, mọi công dân ở độ tuổi từ 40 đến 75, là nhân vật chính trị hoặc tôn giáo nổi tiếng có "thành tích hoàn hảo về lòng mộ đạo và lòng trung thành với nền cộng hòa Hồi giáo", có trình độ học vấn và có kinh nghiệm ở các vị trí lãnh đạo đều có thể ra ứng cử vào chức vụ Tổng thống.

Và cũng theo Hiến pháp, tất cả công dân Iran từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, điều này có nghĩa là hơn 61 triệu trong tổng dân số gần 90 triệu công dân Iran có đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu không có ứng cử viên nào nhận được 50% +1 số phiếu bầu, vòng hai sẽ được tổ chức giữa hai ứng cử viên giành được số phiếu cao nhất.

Cuộc đua 6 chọn 1

Trong số 80 nhân vật được Ủy ban bầu cử chấp nhận đơn, vào ngày 9/6, Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra các ứng cử viên, sau khi sàng lọc đã rút gọn danh sách này chỉ còn 6 ứng cử viên. Những ứng viên vào "vòng chung kết" bao gồm: Chủ tịch Quốc hội, cựu Thị trưởng Tehran Mohammad Bagher Qalibaf; cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao, cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili; Thị trưởng Tehran Alireza Zakani; Nghị sĩ Quốc hội, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Masoud Pezeshkian; cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tư pháp Mostafa Pourmohammadi và cựu Phó chủ tịch thứ nhất của Quốc hội Amir-Hossein Ghazizadeh Hashemi.

Theo giới quan sát, sáu ứng viên sáng giá nhất này đại diện cho các xu hướng chính trị khác nhau, nhưng nhìn chung đều có chung quan điểm cứng rắn, sẵn sàng tiếp tục chính sách đương đầu với Mỹ và phương Tây và gia tăng hợp tác với các nước không nằm trong quỹ đạo của Washington và đồng minh. Trong số 6 ứng cử viên này, chỉ có một nhân vật được cho là có "xu hướng cải cách", đó là ông Masoud Pezeshkian, Nghị sĩ Quốc hội, cựu Bộ trưởng Y tế.

Trong 6 ứng viên này, theo các nhà phân tích chính trị am hiểu tình hình Iran lại cho rằng, chặng đua cuối cùng có thể lại chỉ là giữa đương kim Chủ tịch Quốc hội Qalibaf, 62 tuổi và cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao và cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili 58 tuổi bởi hai nhân vật này được Lãnh tụ tối cao, Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei ủng hộ ở mức độ khác nhau.

Sáu ứng viên sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14 của Iran diễn ra vào ngày 28/6. (Nguồn: AFP)

Sáu ứng viên sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14 của Iran diễn ra vào ngày 28/6. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, ông Qalibaf lại được coi là ôn hòa hơn trong khi ông Jalili là người có đường lối cứng rắn, phù hợp trong bối cảnh hiện nay của quốc gia Trung Đông này. Ông Qalibaf là một nhà kỹ trị và có quan hệ chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh cách mạng (IRGC) và Giáo chủ Ali Khamenei. Bên cạnh đó, ông Qalibaf đã 3 lần tham gia tranh cử Tổng thống vào các năm 2005, 2013 và 2017. Năm 2021 ông Qalibaf cũng đã từng rút lui không tham gia tranh cử để dành phiếu cho ứng viên Ebrahim Raisi, người trở thành Tổng thống sau đó.

Số liệu từ các cuộc thăm dò dư luận được truyền thông nhà nước Iran công bố ngày 13/6 mới đây cũng cho thấy ứng viên Qalibaf, Saeed Jalili và Masoud Pezeshkian là ba nhân vật được yêu thích trong chiến dịch bầu cử. Có tới 28,7% người Iran được hỏi nói sẽ bỏ phiếu cho ứng viên Qalibaf và khoảng 20% sẽ bỏ phiếu cho ông Jalili. Trong khi đó, "Nhà cải cách" Masoud Pezeshkian chỉ là 13,4%. Với các dữ liệu như thế, tờ Tehran Times của Iran nhận định, ông Qalibaf chính là người có cơ hội lớn nhất để giành chiến thắng và trở thành một nhân vật có thể đoàn kết những người bảo thủ Iran.

Tuy nhiên, do có đến 6 ứng cử viên tham gia tranh cử, số phiếu chắc chắn sẽ bị phân tán, chưa kể tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dự doán sẽ rất thấp. Số liệu cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3 vừa qua chưa đến 41% và trong bầu cử Tổng thống năm 2021, tỷ lệ cử tri đi bầu cũng chỉ đạt khoảng 48%. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong cuộc bầu cử ngày mai (28/6), rất có khả năng không ứng cử viên nào có thể giành được hơn 50% số phiếu. Trong trường hợp như vậy, vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức sau một tuần và có thể, chỉ còn là cuộc đua giữa hai ông Qalibaf và Jalili.

Thách thức cho người mới

Trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với tình trạng "thập diện mai phục", rất nhiều khó khăn hiện nay do phải chống chọi với các lệnh trừng phạt của Mỹ, thì trọng tâm của cuộc tranh cử sẽ là việc giải bài toán kinh tế, và tìm ra lối thoát cho các xung đột đang có dấu hiệu leo thang cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với Israel. Trên mặt trận kinh tế, Iran đang phải đương đầu với tỷ lệ lạm phát lên tới 40,8% từ cuối năm 2023 và nằm trong danh sách 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới lên tới 12,4%. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây cho đến nay cũng đã khiến kinh tế Iran thiệt hại hơn 300 tỷ USD.

Ngoài các vấn đề kinh tế, xã hội, căng thẳng địa chính trị giữa Iran với phương Tây, bao gồm cả việc nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân cũng là các bài toán hóc búa khác cho Tehran. Trong bối cảnh như thế, thì bất cứ ai thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Cộng hòa Hồi giao Iran cũng phải tìm ra cách thức hữu hiệu để hóa giải các thách thức và đặc biệt là có được sự hậu thuẫn của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei.

Và như thế, cho dù một nhân vật "đổi mới" hay "bảo thủ" lên nắm quyền, thì cũng khó có thể có thay đổi đáng kể nào trong chính sách của Iran. Tổng thống Iran thứ 14 cũng vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ủng hộ Palestine, hậu thuẫn các tổ chức trong "trục kháng chiến" chống Israel, duy trì chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các nước thành viên của BRICS và SCO, đặc biệt là hợp tác với Nga và Trung Quốc và cải thiện quan hệ với thế giới Arab.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-tong-thong-iran-tim-nguoi-moi-giai-nhung-bai-toan-cu-276589.html