Bầu cử Tunisia: Khi Mùa xuân chưa mang trái ngọt
8 năm đã trôi qua, song Mùa xuân Arab vẫn chưa thực sự đem lại điều mà người dân quốc gia Bắc Phi hằng mong muốn. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Người dân thực hiện quyền công dân tại điểm bỏ phiếu ở La Marsa, ngoại ô thủ đô Tunis, Tunisia.
Cuộc bầu cử ngày 15/9 là lần thứ hai người dân Tunisia tham gia bầu Tổng thống, kể từ Mùa xuân Arab năm 2011. Tính tới tối ngày 16/9, với 2/3 số phiếu được kiểm, ứng cử viên độc lập, giáo sư luật Kais Saied đang là người dẫn đầu với 18,9% số phiếu ủng hộ, theo sau là ông trùm truyền thông Nabil Karoui (15,5%) của đảng Trái tim Tunisia, người hiện đang đứng sau xà lim vì cáo buộc rửa tiền và trốn thuế. Ứng cử viên được kỳ vọng, đương kim Thủ tướng Youssef Chahed chỉ đứng vị trí thứ năm với 7,4% do không thể hiện được nhiều trong quá trình điều hành kinh tế.
Với tuổi đời còn trẻ so với các Tổng thống tiền nhiệm, ông Said (61 tuổi) và Karoui (56 tuổi) hứa hẹn sẽ là làn gió mới trên chính trường Tunisia, vốn bị chi phối bởi các chính trị gia đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ngày 29/9, hai nhân vật này sẽ một lần nữa đối đầu để chọn ra nhà lãnh đạo lèo lái con thuyền Tunisia qua cơn sóng dữ.
Thách thức hàng đầu của quốc gia Bắc Phi hiện nay là phục hồi tăng trưởng kinh tế. Mùa xuân Arab đã thành công khi cựu Tổng thống Ben Ali phải từ chức sau 25 năm cầm quyền, song lại thất bại trong việc mang lại những thành tựu phát triển kinh tế. GDP tăng trưởng chậm (2,9%), tỷ lệ thất nghiệp ở mức đáng báo động: Trước Mùa xuân Arab, con số này là 12%, song hiện đã đạt mức 15% và tại một số thành phố là 30%. Giá cả sinh hoạt đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2016. Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia Bắc Phi, đã không tăng trưởng sau các vụ tấn công khủng bố tại khu nghỉ mát Sousse và viện bảo tàng Bardo khiến 60 người thiệt mạng. Đây sẽ là bài toán nan giải dành cho người kế nhiệm cố Tổng thống Beji Caid Essebsi.
Ông Kais Saied (trái) và ông Nabil Karoui. (Nguồn: AFP)
Thứ hai, tình hình chính trị nội bộ của Tunisia tiếp tục bất ổn, các đảng phái lớn chia rẽ trong điều hành đất nước. Hai chính đảng cầm quyền sau Mùa xuân Arab là Quốc hội vì nền Cộng hòa (CPR) và Nidaa Tounes đều thất bại trong cuộc bầu cử. Trong khi đó, các ứng cử viên độc lập hay thuộc đảng mới nổi như Trái tim Tunisia lại “lên như diều gặp gió”. Tuy nhiên, dù người chiến thắng là ông Said hay ông Karoui, họ sẽ phải vượt qua rào cản về lập trường chính trị hay đảng phái để xây dựng một Chính phủ liên minh mạnh và bền vững, dẫn dắt đất nước qua cơn bĩ cực.
Thứ ba, tình hình khu vực, đặc biệt là các quốc gia láng giềng, tiếp tục diễn biến khó lường và đòi hỏi Tunisia phải có ứng biến hợp lý nhằm bảo toàn lợi ích quốc gia. Chiến sự tại Libya nóng lên từng ngày; giao tranh giữa Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) tại Tripoli, ngay sát biên giới phía Đông của Tunisia, luôn được Tunis theo dõi sát sao.
Trong khi đó, láng giềng phía Tây của Tunisia là Algeria lại đối mặt với bất ổn chính trị kéo dài. Ngày 16/9, Tổng thống tạm quyền Algeria Abdelkader Bensalah cho biết bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 12/12. Tuy nhiên, quyết định này đã bị người dân phản đối kịch liệt, khẳng định sẽ tẩy chay bỏ phiếu chừng nào các quan chức tham nhũng và giới tinh hoa chưa bị xét xử. Hiện các cuộc biểu tình kéo dài từ khi cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức đã bước sang tuần thứ 30 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực trạng này sẽ buộc lãnh đạo mới của Tunisia có chính sách đối ngoại khéo léo để xử lý mối quan hệ với láng giềng, cải thiện vị thế quốc tế. Đây sẽ là cách Tunis chứng minh Mùa xuân Arab có thể mang về “hoa thơm trái ngọt”, xứng đáng với mồ hôi, nước mắt và máu của những người từng đấu tranh vì nó.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-tunisia-khi-mua-xuan-chua-mang-trai-ngot-101296.html