Bày tranh Rồng đón Tết
Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, các nghệ sĩ đã lấy con giáp của năm - con Rồng - để sáng tác ra những tác phẩm, trưng bày triển lãm. Những triển lãm này được ví như lời chúc năm mới, chúc vận mới khởi từ Giáp Thìn an lành và hạnh phúc tới tất cả mọi người.
Rồng là con vật cùng một lúc mang hai biểu tượng của vương quyền trong thời phong kiến và biểu tượng tín ngưỡng vì rồng nằm trong bộ tứ Long, Ly, Quy, Phượng. Rồng cũng là con vật mang biểu tượng của 1 trong 12 con giáp (tương đương, dân chủ, bình đẳng với lợn gà dê bò…), là tháng thổ đầu tiên trong 4 thổ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi của năm và đóng vai trò chuyển êm từ xuân (mộc) sang hè (hỏa).
1.000 năm trải qua các thời kỳ (từ Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn) hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục, chất liệu. Dễ nhận thấy những nét chính như sau: Rồng Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại.
Rồng Trần nhìn bề mặt thì giống Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng Lê sơ chú trọng chi tiết, cụ thể, ít chất trang trí cách điệu. Rồng Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của Lý Trần tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại, mang đến cảm giác mộc mạc giản dị.
Rồng Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa và thứ hai là hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau. Rồng Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, chau chuốt.
Tiếp nối truyền thống và kế thừa di sản Rồng trong mỹ thuật của cha ông ta thời xưa, những nghệ sĩ hôm nay tiếp tục sáng tạo, cùng rồng đi từ truyền thống sang hiện đại.
Trong đó, tiêu biểu là nhóm nghệ sĩ G39 với triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Triển lãm diễn ra từ ngày 24/1 đến hết 30/1, trưng bày 90 tác phẩm lấy cảm hứng từ con giáp của năm. Các họa sĩ tham gia triển lãm lần này gồm có: Tào Linh, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Phương Liên, Bùi Thanh Thủy, Phương Bình, Bình Nhi, Vương Linh, Lê Thư Hương, Nguyễn Minh, Trần Hồng Đức…
90 tác phẩm tại triển lãm lần này được thể hiện trên chất liệu sơn dầu, bột màu, sơn mài, giấy dó, acrylic đến gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng. Các tác phẩm không chỉ thể hiện đề tài về con rồng mà còn về tình yêu với thiên nhiên, con người…
Trong khi đó, từ ngày 20/1đến ngày 20/2, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), đơn vị sáng tạo TiredCity và cộng đồng họa sĩ minh họa trẻ Vietnam Local Artist Group (VLAG) với sự đồng hành của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm “Vẽ con rồng”. Theo thông tin từ Ban Tổ chức, khoảng 80 tác phẩm là thành quả sáng tạo của hơn 75 họa sĩ minh họa trẻ đến từ Illustration Challenge #13 sẽ được trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm “Vẽ con rồng” truyền tải thông điệp tích cực về linh vật năm mới Giáp Thìn 2024 qua nhiều câu chuyện và sắc thái thú vị riêng của nhân vật “Rồng”. Qua góc nhìn và nét vẽ của các nghệ sĩ trẻ, con rồng trở lên thật lung linh, ấn tượng và cá tính, hứa hẹn đem đến nhiều góc nhìn thú vị, vui vẻ cho cộng đồng người yêu sáng tạo trước thềm Tết đến xuân về.
Xem triển lãm này, công chúng cùng thả mình vào đa dạng câu chuyện về rồng được lấy cảm hứng từ trong truyền thuyết, trong văn hóa, trong phim, truyện, trong chính đời sống thường ngày.
Thành lập năm 2016, với mong muốn đưa nghệ thuật và văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng trong nước cũng như quốc tế, TiredCity đã và đang trên hành trình dung dưỡng và lan tỏa sáng tạo Việt thông qua việc cộng tác với hơn 300 nghệ sĩ, tạo ra hơn 100.000 sản phẩm thương mại gần gũi với khán giả trong nước và quốc tế.
“
"Gốm Tết 2024" tại làng gốm Bát Tràng
Trưng bày "Gốm Tết 2024" - "Phồn 2" vừa khai mạc chiều 20/1 tại không gian nghệ thuật Bat Trang ceramic artspace (232 Giang Cao, Bát Tràng, Hà Nội). Trưng bày có sự tham gia của 11 họa sĩ gồm: Lê Lạng Lương, Lê Anh Vũ, Khổng Đỗ Tuyền, Trần Trọng Tri, Phạm Hà Hải, Hoàng Mai Thiệp, Trần An, Thái Nhật Minh, Nguyễn Xuân Lục, Tống Ngọc, Duyên Đỗ.
Đại diện nhóm họa sĩ cho biết, trưng bày này nếu được hòa âm phối khí chắc thành một đoạn tấu nhạc trên đất. Thế giới hiện đại, con người có thêm quá nhiều mong cầu khác lạ, nhưng ý niệm về phồn thực ở một khía cạnh nào đó vẫn luôn tồn tại khắp nơi, trong khắp chúng ta.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bay-tranh-rong-don-tet-10271884.html