Bé 7 ngày tuổi nguy kịch, phải thay máu vì bố mẹ chủ quan
Được 7 ngày tuổi, toàn thân bé trai chuyển màu vàng đậm, gia đình hốt hoảng đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chỉ định phải thay máu.
BS Vương Thị Hào, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, cho biết, BV vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.K., 7 ngày tuổi, ở Quảng Ninh bị vàng da nhân não tiên lượng nặng do gia đình chủ quan.
Gia đình cho biết, trẻ được sinh bằng phương pháp sinh thường, đủ tháng. Ba ngày sau sinh, gia đình thấy da của trẻ hơi vàng nhưng do tâm lý chủ quan nên cha mẹ không cho con tắm nắng hay thăm khám kịp thời.
Đến ngày thứ 7, trẻ có biểu hiện vàng da đậm, quấy khóc nhiều, bỏ bú, có dấu hiệu xoắn vặn, lúc này cha mẹ mới hốt hoảng đưa con đến BV cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, trẻ bị vàng da nhân não tiên lượng nặng, nồng độ bilirubin lên tới 720 µmol/l (chỉ số bilirubin ở trẻ sơ sinh bình thường là 171μmol/l). Bác sĩ chỉ định phải thay máu.
Tuy nhiên BS Hảo cho biết, việc điều trị cho bệnh nhi này gặp rất nhiều khó khăn hoặc có nguy cơ cao để lại di chứng bại não, thậm chí có thể tử vong.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, vàng da sơ sinh xảy ra ở hầu hết trẻ do tăng bilirubin trong máu. Nếu nhẹ sẽ là vàng da sinh lý, khi chỉ số bilirubin cao vọt lên là vàng da bệnh lý, tuy nhiên ranh giới rất mong manh, khó phát hiện do trẻ không có những dấu hiệu đặc hiệu, vẫn bú, ngủ bình thường.
Với vàng da bệnh lý, thường xuất hiện ở trẻ sinh non, trẻ đẻ ngạt và các trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ - con (ví dụ mẹ nhóm O, con nhóm A, B...) nhưng bị hòa vào nhau do quá trình co bóp sẽ làm vàng da nặng hơn và sớm hơn, có thể ngay 1-2 ngày đầu.
Theo PGS Dũng, ở trẻ sinh đủ tháng, có khoảng 25% phải chiếu đèn tối thiểu 24 giờ đầu sau sinh. Nếu để sau 7 ngày, khi da bé dày hơn, việc chiếu đèn ít tác dụng, do đó cần phát hiện sớm.
Khi trẻ có các biểu hiện lâm sàng điển hình như kích thích, giãy giụa, tăng trương cơ lực, ngủ li bì, kém phản xạ... khi đó chất bilirubin đã thấm nhiều vào não làm hại não, có thể khiến trẻ hôn mê, co giật dẫn đến hội chứng vàng da nhân não.
PGS Dũng cho biết, những trường hợp này điều trị rất khó khăn và ít hiệu quả. Các bác sĩ sẽ phải thay truyền máu liên tục để đẩy lượng bilirubin ra ngoài. Đây là phương pháp rất tốn kém nhưng trẻ vẫn có nguy cơ cao mắc các di chứng về thần kinh hết sức nghiêm trọng không thể phục hồi như viêm não, điếc, chậm phát triển về trí tuệ và vận động.
Để phát hiện sớm vàng da bệnh lý trước 7 ngày đầu, PGS Dũng khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi sát màu da của con dưới ánh sáng mặt trời, không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ khó phát hiện.
Kế đó quan sát từ trên xuống dưới theo thứ tự trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân. Đầu tiên dùng ngón tay trỏ, ấn nhẹ lên lớp da trán để mạch máu giãn ra, giữ vài giây rồi bỏ ra và quan sát.
Nếu trẻ chỉ vàng từ trán đến ngực thì không cần đưa đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu trẻ vàng da đến bụng, đùi, cẳng chân thì bắt buộc phải đưa đến các BV Nhi hoặc chuyên khoa nhi để kiểm tra.