Bê bối tham nhũng tại Cục ATTP Bộ Y tế: Sức khỏe cộng đồng bị đem đánh đổi vì lợi ích cá nhân

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế là nơi mà mỗi quyết định chuyên môn đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của hàng triệu người. Song vì lợi ích cá nhân, nhóm lãnh đạo, cán bộ ở đây đã giúp hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được bán ra thị trường. Vụ việc không chỉ là bê bối tham nhũng mà còn là sự tha hóa đạo đức nghiêm trọng, đánh đổi sức khỏe cộng đồng vì lợi ích cá nhân.

Có khả năng gây tổn hại sức khỏe cộng đồng

Vụ một số lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bị khởi tố vì hành vi nhận hối lộ để “hợp thức hóa” hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) đã khiến dư luận bức xúc.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tổng cộng các đối tượng đã nhận hối lộ của để cấp khoảng hơn 10.000 Giấy tiếp nhận đăng ký hồ sơ công bố sản phẩm. Số tiền nhận được sẽ được chia cho các cá nhân liên quan. Trong đó, riêng ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã nhận hơn 60 tỷ đồng (trong giai đoạn từ 2015- 2024).

Nói về góc độ "chuyên môn" trong vụ này, Dược sĩ Nguyễn Thu Phương, giám đốc một công ty dược phẩm tại Hà Nội cho rằng, hành vi của một số cán bộ, lãnh đạo Cục ATTP rất nguy hiểm, có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.

 Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý TPCN giả, kém chất lượng.

Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý TPCN giả, kém chất lượng.

Theo dược sĩ Thu Phương, sử dụng TPCN không đạt chất lượng kiểm nghiệm, không đảm bảo thành phần hoạt chất như đã công bố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.

Trong vụ việc này, điều nguy hiểm ở chỗ hàng ngàn sản phẩm đã được bán ra thị trường, người dân đã mua và sử dụng. Như thế, những hoạt chất không rõ nguồn gốc đã đưa vào cơ thể, trong đó không loại trừ khả năng có chất không được công bố.

"Với tất cả sản phẩm liên quan đến sức khỏe, cần phải có tiền kiểm, có công bố chất lượng, tác dụng mới được phép lưu hành. Sau đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục hậu kiểm để kiểm soát chất lượng", bà Phương đề nghị.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Thị Thu Hường, nguyên giảng viên khoa Dược (Trường ĐH Y Dược - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hiện ngành TPCN trong nước đang phải đối mặt với "cơn bão" sau những vụ bê bối về chất lượng vừa qua. Nguyên nhân một phần là do thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường và chắc chắn có sự tiếp tay của những người làm nhiệm vụ "chốt chặn" bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối TPCN chân chính, có quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt cũng bị ảnh hưởng. Do đó, TS. Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị cơ quan tố tụng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

 Ông Nguyễn Thanh Phong (ngoài cùng bên trái) và một số bị can trong vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả.

Ông Nguyễn Thanh Phong (ngoài cùng bên trái) và một số bị can trong vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả.

Mất niềm tin vào cơ quan quản lý thực phẩm

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của nhóm cán bộ Cục ATTP không chỉ vi phạm pháp luật hình sự mà còn gây tổn hại sâu sắc đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Theo quy định, để một sản phẩm TPCN được lưu hành hợp pháp trên thị trường, doanh nghiệp bắt buộc phải nộp hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm. Trong đó, yêu cầu trọng yếu là phải cung cấp bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm. Đây là điều kiện nhằm đảm bảo sản phẩm thực sự có tác dụng như công bố, không gây hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số hồ sơ doanh nghiệp nộp về đều không đủ tiêu chuẩn, thiếu căn cứ khoa học hoặc không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Trong bối cảnh đó, một số cán bộ, nhân viên và lãnh đạo của Cục ATTP thay vì từ chối hoặc yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, lại tìm cách "hợp thức hóa" bằng cách sử dụng tài liệu ngoài, làm giả hoặc tráo đổi nội dung tài liệu nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm được cấp phép lưu hành. Đáng nói hơn, hành vi này được tổ chức có hệ thống.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, hành vi nhận tiền của nhóm cán bộ Cục ATTP đủ yếu tố cấu thành của tội "Nhận hối lộ" - theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2025. Hình phạt cho tội danh này từ 2 năm đến 20 năm, tù chung thân. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

"Trong trường hợp này, việc các cá nhân nhận hàng tỷ đồng để cố ý làm trái quy trình chuyên môn, dẫn đến cấp phép sai. Nếu được xác định có tổ chức và yếu tố vụ lợi lớn thì mức hình phạt có thể lên tới tù chung thân", luật sư Hùng nói.

Cũng theo luật sư Hùng, đây là hành vi lạm quyền vì tư lợi, xảy ra trong một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, nơi mà mỗi quyết định chuyên môn đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của hàng triệu người.

TPCN hiện nay được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong nhóm người cao tuổi, bệnh nhân mãn tính, những người dễ tin tưởng vào các quảng cáo như “bổ gan”, “tăng cường chức năng tim mạch”, “ngừa tiểu đường”… Nếu sản phẩm đó không đủ chất lượng, chứa chất cấm hoặc không có tác dụng thật sự, hậu quả để lại không chỉ là thiệt hại tài chính mà còn có thể gây hại sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Sự tha hóa đạo đức công vụ trong vụ việc không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ngành y tế, mà còn khiến xã hội mất lòng tin vào cơ chế quản lý an toàn thực phẩm. Việc “chạy giấy phép”, “mua đường công bố” không chỉ là hiện tượng tham nhũng vật chất mà còn là biểu hiện suy thoái đạo đức công chức, thúc đẩy một nền văn hóa “phong bì, cửa sau” vốn đang bị xã hội lên án mạnh mẽ.

Vụ án này cần được điều tra triệt để, xử lý nghiêm minh, không chỉ để trừng trị những cá nhân sai phạm mà còn nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự. Trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người không thể có chỗ cho sự dễ dãi, xuê xoa hay vụ lợi cá nhân. Một khi các nguyên tắc an toàn bị đánh đổi bằng phong bì, thì niềm tin của xã hội sẽ sụp đổ và cái giá phải trả đôi khi chính là mạng sống con người, luật sư Hùng nói.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/be-boi-tham-nhung-tai-cuc-attp-bo-y-te-suc-khoe-cong-dong-bi-dem-danh-doi-vi-loi-ich-ca-nhan-post1760312.tpo