Bé gái 9 tuổi có vòng ngực 95cm, bác sĩ cảnh báo gì?
Đang là học sinh lớp 4, nhưng bé M. ở Quảng Ninh đã cao gần 1,5m, nặng 55kg, vòng ngực 95 cm, buộc phải tiêm hormone để điều trị dậy thì sớm.
Cô bé được đánh giá là đã có sự phát triển vượt trội khi so sánh với các chỉ số thông thường của lứa tuổi. Sau hơn 1 năm điều trị, các chỉ số hormone của bé đã duy trì ở mức ổn định.
Hiện, chỉ riêng tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã có trên 30 trẻ đang điều trị dậy thì sớm. Hằng tháng, thông qua khám chữa bệnh, các bác sĩ cũng đều ghi nhận thêm những trường hợp được phát hiện mới, phần lớn là bé gái.
Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường. Tuổi dậy thì sớm là thường bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai).
Trước đây, trẻ dậy thì sớm thường không được phát hiện kịp thời thì nay, cùng với việc các điều kiện phát hiện chẩn đoán đầy đủ hơn cũng như nhận thức của cộng đồng được nâng cao, số trẻ dậy thì sớm cũng được ghi nhận tăng lên.
Dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến bé gái khi trưởng thành chiều cao có thể “thiếu hụt” 12cm, với bé trai khoảng 20cm so với chiều cao chuẩn. Dậy thì sớm cũng là một trong những dấu hiệu thể hiện sự bất thường trong cơ thể trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm hiện vẫn chưa được xác định cụ thể. Song, chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố tác động đến tuổi dậy thì. Trẻ mắc bệnh béo phì thường dậy thì sớm hơn so với trẻ cùng tuổi.
Theo bác sĩ Trung tâm Nội tiết, chuyển hóa, di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương, dậy thì sớm gồm có hai nhóm:
Dậy thì sớm trung ương, tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm 3 bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não - tuyến yên - tuyến sinh dục (tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái).
Dậy thì sớm ngoại biên, do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái; các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh, u tinh hoàn.
Nghi ngờ con dậy thì sớm, cần làm gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Linh, Khoa Hô hấp - Tim mạch - Tiêu hóa - Thần kinh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, các dấu hiệu rõ ràng nhất là sự phát triển chiều cao vượt trội. Ngoài ra, các bạn nữ có thể là sự phát triển của ngực, vùng kín, mùi cơ thể, giọng nói…
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyên cha mẹ nếu nghĩ rằng con của mình có dấu hiệu dậy thì sớm, nên đưa trẻ đến bác sĩ nội tiết nhi, vào buổi sáng. Trẻ có thể ăn uống bình thường trước khi xét nghiệm.
Tại lần khám đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ: Hỏi cha mẹ về các biểu hiện của trẻ và thăm khám tình trạng của trẻ; Đo chiều cao, cân nặng; Các xét nghiệm có thể được chỉ định: chụp X-quang xương cổ tay của trẻ để tìm hiểu xương có phát triển với tốc độ bình thường so với tuổi của trẻ, siêu âm buồng trứng và tử cung xem có phát triển nhiều hơn so với mức độ của trẻ cùng tuổi.
Các xét nghiệm hormone để đánh giá mức độ bài tiết hormone LH của tuyến yên có thể thực hiện. Trẻ cũng có thể cần chụp thêm X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não để tìm nguyên nhân dậy thì sớm.
Dậy thì sớm khiến trẻ không phát triển tối ưu chiều cao, thể chất, ảnh hưởng tới tâm sinh lý. Để phòng dậy thì sớm, cha mẹ nên giới hạn cân nặng của trẻ, các thực phẩm quá nhiều chất cũng nên hạn chế, không nên tiếp xúc với các văn hóa phẩm vượt lứa tuổi.
Hiện phương pháp điều trị chủ yếu đối với trẻ dậy thì sớm là tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinh dục thứ phát. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện tại cơ sở y tế.