Bé gái mắc cúm A/H5 đã qua cơn nguy kịch
Sức khỏe của bệnh nhi 5 tuổi mắc cúm A/H5 đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhi Trung ương đã có tiến triển tích cực. Hiện bé đã được rút nội khí quản, hoàn toàn tỉnh táo và tiếp tục theo dõi chức năng thận.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đến chiều 21/10, sức khỏe của bệnh nhi 5 tuổi ở Phú Thọ mắc cúm A/H5 đang điều trị tại Khoa đã "rất may mắn phục hồi".
"Hiện bé đã được rút nội khí quản, hoàn toàn tỉnh táo bình thường, tuy nhiên về chức năng thận của bệnh nhân, hiện các bác sĩ tiếp tục theo dõi và có các biện pháp điều trị phù hợp vói trẻ" - PGS Tuấn thông tin.
Trước đó cuối giờ chiều ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trong tình trạng suy đa phủ tạng, suy nhiều cơ quan rất nặng, sốc nhiễm khuẩn. Ngày 10/10, trẻ được Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm xác định type cúm A/H5.
Đến ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5.
Về tiền sử dịch tễ của ca bệnh này, được biết ngày 07/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.
Bệnh nhi được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, tại đây trẻ được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.
Sau đó 1 ngày bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Liên quan đến ca bệnh này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống (xã Đông Thành, huyện Thanh Ba) phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và địa phương cùng điều tra dịch tễ, khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà ở của bệnh nhân và 4 hộ gia đình xung quanh.
Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5. Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm gia cầm có thể xuất hiện khi buôn bán gia cầm qua đường biên giới hay chim di cư từ quốc gia này sang quốc gia khác. Vì vậy, việc phối hợp giữa hai cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn các ổ dịch rất quan trọng.
Theo Bộ Y tế, bệnh nhi đang điều trị là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5. Hiện nay, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương. Trường hợp xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/be-gai-mac-cum-ah5-da-qua-con-nguy-kich-d213791.html