Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu mới
Ngày 23/6, Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu mới đã khép lại sau khi đưa ra cam kết thực hiện những bước đi nhỏ bé hướng đến nỗ lực giảm gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển vốn chịu gánh nặng của các cuộc khủng hoảng khí hậu và kinh tế.
Trong ngày đầu của hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thông báo các nước giàu đã cam kết sẽ phân bổ 100 tỷ USD từ một kênh tín dụng của tổ chức này (được biết đến là "quyền rút vốn đặc biệt") để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cho biết thể chế tài chính này sẽ đưa ra cơ chế "ngừng" nghĩa vụ trả nợ đối với những nước chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Mục tiêu của cơ chế này là giúp các nước như vậy có thể "tập trung xử lý những vấn đề quan trọng trước mắt" và "không phải lo lắng về việc hoàn trả nợ".
Là nước chủ nhà, Pháp ca ngợi hội nghị là dịp để lãnh đạo các nước đúc rút kinh nghiệm về cách thức xây dựng đồng thuận. Mặc dù vậy, lãnh đạo các nước đều cảm nhận khó khăn trước mắt để có thể đạt được những kết quả cụ thể sau hội nghị kéo dài 2 ngày này trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang trì trệ do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong những năm gần đây.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những thách thức tài chính ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, các nước đối mặt với cảnh báo rằng việc thế giới có thể giới hạn tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức độ chấp nhận được hay không phụ thuộc vào khả năng gia tăng đầu tư quy mô lớn vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển.
Theo ước tính mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra trong tuần này, khoản đầu tư hằng năm chỉ để phát triển các nguồn năng lượng sạch ở các nước đang phát triển sẽ cần tăng lên gần 2.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới. Đây là khoản đầu tư cần thiết để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng dưới dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là đạt được mức dưới 1,5 độ C theo các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Khai mạc tại thủ đô Paris sáng 22/6 (giờ địa phương), hội nghị có sự tham dự của trên 100 lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có 40 nguyên thủ quốc gia, nhiều lãnh đạo cấp chính phủ và bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc (LHQ), WB, IMF và đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức chính trị - xã hội.