Bệ phóng hay... cú nhảy hụt?
Thời gian tới, một số gameshow tìm kiếm tài năng sẽ được lên sóng, hứa hẹn làm nóng đời sống giải trí với những format mới mẻ.

Chương trình “Tân binh toàn năng” được kỳ vọng sẽ thay đổi định kiến của khán giả lâu nay về các gameshow tìm kiếm tài năng tại Việt Nam. Ảnh: BTC
Thế nhưng, bên cạnh sự kỳ vọng, nhiều khán giả cũng lo ngại liệu các tài năng bước ra từ những chương trình này có nhận được sự hậu thuẫn cần thiết để phát huy thế mạnh, hay lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của nhiều chương trình tương tự trước đây, đăng quang rồi “lặn mất tăm”?!
Cạnh tranh khốc liệt
Chương trình Tân binh toàn năng đang thu hút sự chú ý của khán giả trên nhiều diễn đàn khi hướng đến tuyển chọn nhân tố sở hữu tài năng đa dạng từ hát, rap đến sáng tác, vũ đạo, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng trình diễn, ứng biến trên sân khấu… để thành lập nên một nhóm nhạc nam theo chuẩn quốc tế.
Với thể thức thi đấu và loại trực tiếp, mang yếu tố “sống còn” thường thấy ở các chương trình nước ngoài, các thí sinh sẽ phải trải qua quá trình huấn luyện với cường độ cao và tiêu chuẩn gắt gao, mô phỏng mô hình đào tạo thần tượng K-pop.
Từng người sẽ được đánh giá liên tục qua các kỳ kiểm tra định kỳ, ai không đạt yêu cầu sẽ bị loại. Các thử thách của chương trình được xem là phép thử nghiêm túc cho tham vọng hình thành một thế hệ “thần tượng” Việt Nam mới, vừa có năng lực chuyên môn, vừa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ê kíp sản xuất cho biết, đây không chỉ là một cuộc thi, mà còn là quá trình đào tạo bài bản. Đáng chú ý, BTC khuyến khích khán giả cùng tham gia tìm kiếm và giới thiệu các ứng viên tiềm năng cho Tân binh toàn năng.
Chiêu thức tuyển sinh mới lạ này giúp nhà sản xuất phát hiện nhiều gương mặt mới, đồng thời, đảm bảo thí sinh tham gia không dính bê bối đời tư. Từ đó, tạo nên một nhóm nhạc thần tượng bám sát thị hiếu công chúng.
Còn với Trạm phát sóng (+84) - sân chơi nghệ thuật dành cho mọi công dân Việt Nam từ 16 tuổi trở lên, để tạo nên tính “đa sắc thái”, cuộc thi không giới hạn lĩnh vực tham gia, mặc dù phần lớn các thí sinh chọn ca hát làm chủ đạo.
Thí sinh không chỉ được thể hiện năng lực trên sân khấu chuyên nghiệp mà còn được đào tạo bài bản, nâng cao kỹ năng, từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình với các huấn luyện viên.
Có thể nói, sự xuất hiện của các chương trình tìm kiếm tài năng mới sẽ mang đến cho khán giả thêm nhiều lựa chọn giải trí hấp dẫn. Đối với các thí sinh, đây là cơ hội tốt để họ thể hiện bản thân và tìm kiếm chỗ đứng trong làng giải trí.
Mỗi gameshow khi được tổ chức đều nhận được kỳ vọng cao từ khán giả, vì họ mong muốn được thấy những thần tượng mới, những nhóm nhạc tài năng được ra mắt.
Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng có chiến lược hỗ trợ thí sinh bứt phá sau cuộc thi. Nhiều lần, khán giả chứng kiến các thí sinh đoạt giải phải tự “vẫy vùng” vì không có sự hậu thuẫn cần thiết và rồi chơi vơi trong chính sự nghiệp mà mình đã chọn.

Nhóm nhạc “Thế hệ mới” từ show “Vote for five” mất hút khỏi showbiz sau đêm chung kết vì thiếu chiến lược hỗ trợ tài năng
Khi các cuộc thi tài năng chưa đủ là bệ phóng
Năm 2022, chương trình truyền hình thực tế Vote for Five từng thu hút sự chú ý khi áp dụng mô hình tuyển chọn nhóm nhạc thần tượng theo hình thức “sống còn”, trao quyền quyết định cho khán giả.
Sáu gương mặt nổi bật - Alex Dương, Gusty, Jayden, Cường Bạch, Jiroh và Jbin - đã được lựa chọn để thành lập nhóm nhạc nam Thế hệ mới, với kỳ vọng chinh phục thị trường giải trí Việt Nam.
Tuy nhiên, dù không mang tham vọng vươn tầm quốc tế, nhóm nhạc vẫn không thể trụ vững trên sân khấu trong nước. Sau ánh hào quang ngắn ngủi, họ dần biến mất khỏi bản đồ âm nhạc, thậm chí có người như Cường Bạch phải tiếp tục thử sức ở những chương trình khác với hy vọng được tái xuất.
Câu chuyện không mới, nhưng vẫn đau đáu một thực tế: Việt Nam không thiếu những chương trình tìm kiếm tài năng, nhưng lại thiếu nghiêm trọng một hệ sinh thái chuyên nghiệp để nuôi dưỡng tài năng sau cuộc thi.
Nhiều thí sinh bước ra từ các gameshow rực rỡ để rồi sau đó rơi vào lãng quên - bởi không có chiến lược phát triển, không được đào tạo bài bản, càng không được đồng hành trong quá trình hình thành hình ảnh nghệ sĩ.
Trong một thị trường giải trí khốc liệt, tài năng thôi là chưa đủ. Các “idol” trẻ cần được hỗ trợ bởi một ê kíp chuyên nghiệp: Từ đào tạo kỹ năng, xây dựng thương hiệu cá nhân, đến hoạch định chiến lược truyền thông và phát hành sản phẩm đều đặn. Đó là điều mà các nền giải trí phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc... đã và đang làm rất tốt.
Nếu muốn các chương trình thực sự trở thành bệ phóng, các nhà sản xuất cần thay đổi tư duy “thi xong là hết”. Thay vào đó, hãy xây dựng lộ trình dài hơi cho thí sinh sau cuộc thi: Tiếp tục đào tạo chuyên sâu, định hướng phong cách phù hợp với cá tính và thị trường, phối hợp với công ty quản lý để đưa họ vào guồng quay showbiz một cách chuyên nghiệp.
Một thần tượng chỉ có thể thành danh khi phía sau họ là một nền tảng vững chắc. Cũng như câu nói: “Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, ngành giải trí Việt cần một tầm nhìn dài hạn để không chỉ tạo ra hào quang thoáng chốc, mà còn nuôi dưỡng những ngôi sao bền vững cho tương lai.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/be-phong-hay-cu-nhay-hut-131656.html