Họa sĩ Hùng Lân - cha đẻ truyện tranh 'Dũng sĩ Hesman' qua đời
Họa sĩ Nguyễn Hùng Lân, 'cha đẻ' của bộ truyện tranh khoa học viễn tưởng 'Dũng sĩ Hesman' gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt, đã qua đời.
Chiều 9/5, theo thông tin từ đại diện Comicola, đơn vị khai thác bản quyền bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân đã qua đời. Ông hưởng thọ 69 tuổi.
Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho gia đình, bạn bè đồng nghiệp và đông đảo người hâm mộ, đặc biệt là những thế hệ độc giả đã lớn lên cùng bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman huyền thoại.

Họa sĩ Nguyễn Hùng Lân qua đời ở tuổi 69.
Họa sĩ truyện tranh Nguyễn Hùng Lân sinh năm 1956. Ông là cha đẻ bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman ra mắt công chúng vào năm 1993. Bộ truyện được họa sĩ Nguyễn Hùng Lân phóng tác từ phim hoạt hình Voltron - Defender of the Universe của World Events Productions được 4 tập: Cuộc vượt ngục, Hesman xuất hiện, Mãng xà giả dạng và Lọ nước thần.
Tuy nhiên, sau đó, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân đã tự mình sáng tác thêm 156 tập nữa dựa trên tuyến nhân vật đã có, đồng thời xây dựng thêm hàng chục nhân vật mới. Nội dung của những tập truyện này hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo độc lập của ông, không còn dựa trên cốt truyện gốc.
Với 160 tập, bộ truyện đã khắc họa thành công hình ảnh của 5 con robot mãnh sư biến hình và những cuộc phiêu lưu kịch tính, hấp dẫn trong vũ trụ, chiếm trọn tình cảm của độc giả nhí thời bấy giờ và trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt.
Ngoài Dũng sĩ Hesman, ông còn vẽ nhiều bộ truyện tranh khác như: Siêu nhân Việt Nam, Võ sĩ đạo Samurai, 150 tập Cô tiên xanh, Thằng Bờm... Họa sĩ Hùng Lân cũng là tác giả của bộ font "HL" (viết tắt của Hùng Lân) như HL Thư pháp, HL Comic, HL Mực Tàu,… được nhiều người sử dụng trong các phần mềm thiết kế, sáng tạo nội dung nghệ thuật.
Không chỉ được biết đến với các tác phẩm truyện tranh đồ sộ, cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân cũng là một câu chuyện đầy nghị lực và đáng ngưỡng mộ. Ông không học qua bất kỳ trường lớp đào tạo mỹ thuật chính quy nào. Con đường đến với truyện tranh của ông bắt đầu khá muộn, khi ông đã ngoài 30 tuổi, sau những năm tháng gian khổ mưu sinh với nghề thợ cạo mủ cao su.
Từng bước một, ông vừa vẽ vừa tự học hỏi, trau dồi kỹ năng. Ông không chỉ cố gắng đáp ứng thị hiếu của độc giả mà còn nỗ lực tạo dựng nên cá tính sáng tạo riêng biệt trong mỗi nét vẽ, mỗi câu chuyện. Chính tinh thần làm việc bền bỉ, không ngừng nghỉ đã giúp ông không chỉ nuôi sống cả gia đình 5 người con mà còn góp phần đưa truyện tranh Việt Nam bước vào một thời kỳ hưng thịnh, được độc giả đón nhận nồng nhiệt.