Bé sơ sinh bị nhiễm khuẩn và nhiều bệnh nặng khi vừa chào đời

Ngay sau khi chào đời, em bé ở Vĩnh Phúc xuất hiện tình trạng tím tái, thở rên và suy hô hấp nặng.

Các bác sĩ khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), cho biết vừa điều trị một trẻ sơ sinh ở xã Ngọc Thanh bị suy hô hấp, viêm phổi bẩm sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh sớm và rối loạn đông máu nặng.

Sau khi chào đời, trẻ xuất hiện tình trạng tím tái, thở rên và suy hô hấp nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập cho bệnh nhi.

Tuy nhiên, do nhu cầu oxy của trẻ rất cao, X-quang phổi có hình ảnh tổn thương viêm nặng, các bác sĩ phải sử dụng nhiều kỹ thuật hồi sức như bơm thuốc surfactant vào phổi, điều trị kháng sinh tích cực, nuôi dưỡng tĩnh mạch và truyền huyết tương tươi đông lạnh (một chế phẩm từ máu).

May mắn, trẻ đáp ứng tốt với điều trị. Sau 3 ngày, bé sơ sinh được rút ống nội khí quản và được ấp da kề da với mẹ. Đến ngày thứ 6, trẻ có thể tự thở hoàn toàn, bú mẹ tốt và xuất viện.

Các bác sĩ cho hay việc hồi sức cho bệnh nhi này đòi hỏi sử dụng nhiều loại thuốc và kỹ thuật cao, với tổng chi phí điều trị lên tới hơn 60 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ chi phí đã được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo bác sĩ Lê Trương Tuyết Minh, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng từ trong bào thai, lúc sinh hoặc sau khi sinh. Nhiễm khuẩn sơ sinh là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm tính mạng hàng đầu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là bé non tháng, nhẹ cân. Do vậy, bố mẹ cần có những hiểu biết nhất định để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh sớm có liên quan đến người mẹ, trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn khi qua đường âm đạo.

Các vi khuẩn phổ biến liên quan nhiễm trùng sớm bao gồm: Streptococcus nhóm B (GBS), Escherichia coli, Staphylococcus non coagulase (tụ cầu không đông huyết tương), Haemophilus influenzae, Listeria monocytogenes.

Các dấu hiệu nhiễm trùng sơ sinh sớm có thể gặp ở trẻ:

Bú kém hoặc bỏ bú
Li bì, khó đánh thức
Cử động ít hơn bình thường
Không dung nạp thức ăn (ví dụ: nôn, chướng bụng, dịch dạ dày bẩn…)
Rối loạn nhịp tim (nhịp chậm hoặc nhịp nhanh)
Dấu hiệu suy hô hấp như thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực nặng, cơn ngừng thở
Vàng da sớm 24 giờ đầu sau sinh
Nhiệt độ < 36°C hoặc > 38°C mà không giải thích được bằng các yếu tố môi trường
Thiểu niệu sau 24 giờ tuổi
Co giật, thóp phồng

Khi có một trong các dấu hiệu trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-so-sinh-bi-nhiem-khuan-va-nhieu-benh-nang-khi-vua-chao-doi-post1493927.html