Bé trai 12 tuổi bỏng nặng khi sử dụng cồn để làm cốm nổ

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp trẻ L.N.A.K (12 tuổi, nam, ở Bến Lức, Long An) bị bỏng nặng do tai nạn khi sử dụng cồn để làm cốm nổ.

Hình ảnh trẻ trước và sau khi điều trị. Ảnh: BVCC

Hình ảnh trẻ trước và sau khi điều trị. Ảnh: BVCC

Theo lời kể, trẻ đã đổ cồn vào một thùng thiếc chứa lúa và châm lửa đốt. Khi ngọn lửa sắp tắt, trẻ tiếp tục châm thêm cồn từ can nhựa, khiến lửa phụt lên và làm nổ bình cồn. Vụ việc đã gây bỏng nặng cho trẻ ở các vùng đầu, mặt, cổ, ngực, bụng và tay.

Sau khi bị lửa bén vào quần áo, trẻ đã lăn mình xuống đất để dập lửa, gọi người nhà hỗ trợ xối nước lên người và nhanh chóng được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu. Tại đây, trẻ được thở oxy và truyền dịch, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Khi nhập viện, trẻ biểu hiện sốc với mạch nhẹ, chi lạnh, huyết áp tụt ở mức 70/50mmHg, diện tích phỏng lên tới 48%, độ II – III. Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã nhanh chóng truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương. Trẻ sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức ngoại để tiếp tục điều trị.

Quá trình điều trị cho trẻ bao gồm việc sử dụng dung dịch sát trùng không gây đau, gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt và giảm đau trong quá trình thay gạc. Những vùng da bị cháy sâu được ghép da tự thân. Nhờ sự điều trị tích cực và chăm sóc toàn diện, sau gần ba tuần, tình trạng vết thương của trẻ đã cải thiện rõ rệt và đang trong giai đoạn lành dần.

Qua trường hợp này, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khuyến cáo, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến sự an toàn của trẻ, nhất là trong dịp Tết khi trẻ được nghỉ học ở nhà. Phụ huynh cần đảm bảo môi trường sống an toàn, tránh để các vật dụng nguy hiểm như bình nước sôi, bàn ủi nóng, hóa chất, thuốc uống, ổ điện,… ở nơi trẻ dễ tiếp cận. Ngoài ra, cần hướng dẫn và giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm từ lửa, nguồn nước nóng, điện và các dụng cụ, vật liệu có khả năng gây cháy nổ.

Trong trường hợp trẻ bị bỏng, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi vùng nguy hiểm, xối nước lên vùng bị bỏng để làm dịu vết thương và giảm đau, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/be-trai-12-tuoi-bong-nang-khi-su-dung-con-de-lam-com-no-407913.html