Bé trai 8 tuổi lên cơn dại sau 1 tháng bị chó cắn

Bé trai 8 tuổi ở Sơn La đã lên cơn dại sau 1 tháng bị chó cắn. Điều đáng nói là sau khi phát hiện bé bị chó cắn, gia đình chỉ đưa bé đi tiêm phòng uốn ván nhưng không tiêm phòng bệnh dại.

Chiều 22-8, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bé trai nói trên được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Sơn La đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vào tối 21-8 với chẩn đoán, theo dõi bệnh dại.

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Phong Lan

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Phong Lan

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước khi được đưa đến bệnh viện 1 tháng, bé trai bị chó lạ đi qua cắn vào má phải. Sau đó, con chó chạy mất. Gia đình bé đã không theo dõi được tình trạng của con chó.

Tiếp đến, gia đình có cho bệnh nhi đi tiêm phòng uốn ván nhưng không tiêm phòng dại.

Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhi sốt 38,5 độ kèm đau đầu, buồn nôn, mất ăn ngủ, sợ nước, sợ gió. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn La điều trị 2 ngày và được chẩn đoán, theo dõi bệnh dại. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh nhi được đưa vào khoa trong tình trạng kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, không ăn uống được.

Sau khi được bác sĩ trao đổi tình trạng bệnh, chỉ sau hơn 2 giờ nhập viện, gia đình đã xin đưa bệnh nhi về nhà.

Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo) và tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng tư vấn tiêm chủng vắc xin (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cũng cho rằng, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Để phòng bệnh, người dân chỉ cần tiêm phòng dại ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Tuy nhiên, do tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại là rào cản khiến nhiều người ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.

Trước thực tế trên, bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC lý giải, các loại vắc xin phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm, hiện giá kháng thể sau khi tiêm cao gấp 10 lần so với loại vắc xin cũ, không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ như lời đồn. Hơn nữa, vắc xin thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc xin thế hệ cũ.

“Sau khi bị động vật nghi dại cắn hoặc cào, người dân phải tiêm phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của vi rút dại. Đặc biệt, vết thương ở đầu, mặt, cổ càng phải tiêm sớm nhất có thể vì đây là những vị trí gần với não bộ. Khi vi rút dại xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh sẽ có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hạ huyết áp, ăn uống khó khăn… và tử vong chỉ sau 1-7 ngày kể từ khi phát bệnh”, bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/be-trai-8-tuoi-len-con-dai-sau-1-thang-bi-cho-can-675563.html