Bé trai bị hỏng mắt, tàn tật do nghịch pháo

Mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tìm cách cứu chữa, bàn tay phải của bé trai không giữ được.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong những năm gần đây, khi luật bắt đầu nới lỏng chính sách liên quan pháo nổ, đơn vị này cũng như một số bệnh viện mắt đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị vỡ nhãn cầu nói riêng, gặp tai nạn về mắt nói chung do chơi pháo.

Trao đổi với Zing, bác Danh cho biết mới đây, khoảng tối 13/2, Đơn vị Mắt vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp gặp tai nạn pháo nổ rất thương tâm.

Bệnh nhi là bé trai 11 tuổi, ngụ tại Bình Dương, được đưa đến cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng vùng ngực, mất bàn tay phải, vỡ nhãn cầu trái. Theo chia sẻ từ gia đình, bé gặp tai nạn trong khi học làm pháo tự chế trên mạng.

"Các bác sĩ đã rất cố gắng nhưng vì tai nạn quá nặng, rất tiếc là bệnh nhân đã mất hoàn toàn thị lực mắt trái", bác sĩ Danh chia sẻ.

 Một bé trai được chăm sóc tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bích Huệ.

Một bé trai được chăm sóc tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bích Huệ.

Vỡ nhãn cầu là tình trạng tổn thương gây mất sự toàn vẹn cấu trúc của nhãn cầu. Tai nạn này không hiếm ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ các tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông và hỏa khí.

Trong đó, thường gặp nhất là trường hợp tai nạn sinh hoạt như trẻ xô đẩy dẫn đến trượt ngã hoặc tiếp xúc các động vật có mỏ nhọn như chim, cò.

Bên cạnh đó, trẻ không may gặp tai nạn giao thông và bị chấn thương vùng đầu, mặt cũng có thể bị vỡ nhãn cầu. Một nguyên nhân khác ít gặp hơn gây ra vỡ nhãn cầu là tiếp xúc với hỏa khí như các loại pháo nổ, súng hơi.

Vỡ nhãn cầu dù ở mức độ nào đều gây ra nhiều hệ lụy. Nếu tình trạng vỡ nhãn cầu nhẹ, bệnh nhân có thể được khâu lại vết rách hoặc bơm dịch, bơm khí để giữ áp suất nhãn cầu.

Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể mất chức năng nhìn, thậm chí diễn tiến nhãn viêm giao cảm, ảnh hưởng chức năng thị lực của mắt còn lại.

Bác sĩ Danh khuyến cáo phụ huynh cần chú ý giám sát con nhỏ, tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây vỡ nhãn cầu.

Trẻ cần tránh tuyệt đối các loại súng hơi, pháo nổ và không sử dụng hợp chất chế pháo. Phụ huynh cũng nên hạn chế hoặc có kính bảo vệ mắt cho trẻ khi bé tiếp xúc các loại động vật như chim, cò để tránh gây ra tai nạn đáng tiếc.

Ngay khi xảy ra tai nạn liên quan mắt, người nhà cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở điều trị nhãn khoa gần nhất để sớm được can thiệp.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-trai-bi-hong-mat-tan-tat-do-nghich-phao-post1402686.html