Bé trai bị rỉ nước tiểu vì thỏi nam châm và kẹp giấy
Người bố nhận thấy con trai 10 tuổi có dáng đi bất thường, chân dạng sang hai bên. Khi kiểm tra, phát hiện bé bị rỉ nước tiểu liên tục ở đầu dương vật.
Khoa Ngoại Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, vừa tiếp nhận bé trai 10 tuổi đến khám trong tình trạng rỉ nước tiểu liên tục.
Trước đó, khi phát hiện bé có dáng đi bất thường, chân dạng sang hai bên và đi rất chậm, người bố đã kiểm tra. Kết quả, bé bị rỉ nước tiểu liên tục ở đầu dương vật và đau nhiều khi đi tiểu.
Linh tính có chuyện chẳng lành, người bố đưa bé đi khám ngay lập tức. Trên đường đến bệnh viện, bé trai thừa nhận có nhét thỏi nam châm hình trụ và kẹp giấy (đã được làm thẳng) vào niệu đạo trước đó khoảng 4 tiếng.
Tại khoa Ngoại Niệu, bé trai được thăm khám và chụp X-quang. Kết quả ghi nhận hình ảnh dị vật cản quang ở vùng niệu đạo sau. Bé được soi niệu đạo cấp cứu trong phòng mổ để lấy dị vật.
Các bác sĩ nhận định dị vật lớn, nhọn nên việc thực hiện thủ thuật tương đối khó khăn. Tuy nhiên, dị vật đã được lấy ra an toàn. 5 ngày sau, bệnh nhân được rút ống thông tiểu và xuất viện. Phẫu thuật viên chính cho biết, kẹp giấy đã bắt đầu rỉ sét.
Các bác sĩ cảnh báo, dị vật đường tiết niệu ở trẻ em rất hiếm gặp, chủ yếu ở độ tuổi bắt đầu dậy thì. Năm 2013, Bệnh viên Nhi đồng 2 TP.HCM cũng ghi nhận một nam sinh 15 tuổi, tự nhét đoạn dây điện dài gần 1m vào niệu đạo.
Một số trường hợp khác, trẻ nam thường tự nhét dị vật vào đường tiểu, trẻ nữ lại nhét vào âm đạo. Nguyên nhân có thể do rối loạn tâm thần, tình cờ, kích thích tình dục và đặc biệt là tò mò. Hầu hết trẻ thường lo sợ và xấu hổ khi thừa nhận với cha mẹ.
Trẻ chỉ thừa nhận khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như tiểu khó, tiểu đau, tiểu máu; nặng hơn có thể gây ra đau, sưng tấy hoặc hình thành khối áp xe ở cơ quan sinh dục ngoài.
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, dị vật có thể gây ra nhiễm trùng tiểu, thủng niệu đạo, thủng bàng quang, sỏi niệu, ảnh hưởng nặng nề về sau.
Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, khiến trẻ rất tò mò và nhạy cảm. Vì vậy, gia đình cần quan tâm, chia sẻ và cảm thông với trẻ, tránh làm trẻ lo lắng, xấu hổ, mặc cảm. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám tâm lí khi cần thiết.