Bé trai co giật vì mắc cúm A, chuyên gia cảnh báo những điều cha mẹ cần biết

Phòng khám Đa khoa Medlatec số 2 đã cấp cứu cho bệnh nhi N.T.L (6 tuổi, ở Hà Nội) bị co giật vì sốt cao do mắc cúm A.

ThS.Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec số 2 cho biết, trước khi đến phòng khám, bé L. có biểu hiện sốt cao kéo dài 24 giờ, sau đó đột ngột co giật, mất ý thức, tím môi, tím tay chân. Gia đình lập tức đưa trẻ đi cấp cứu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Medlatec, qua thăm khám phát hiện, trẻ sốt cao 40 độ, co giật khi sốt cao, tím môi, tím tay chân, mất ý thức khoảng 1 phút, đã được xử lý bằng cắt co giật và hạ sốt đường tĩnh mạch. Kết quả cận lâm sàng cho thấy trẻ bị viêm phế quản phổi do cúm A.

Dựa trên kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ kết luận bệnh nhi mắc viêm phế quản phổi do cúm A biến chứng sốt cao co giật.

Từ trường hợp bé L., bác sỹ Ngọc cảnh báo, sốt cao co giật có thể là một biến chứng nguy hiểm của cúm A, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, cơn co giật có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tổn thương não: Khi trẻ co giật kéo dài, não bộ có thể bị thiếu oxy, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thần kinh.

Sặc hoặc ngạt thở: Trong lúc co giật, trẻ có thể bị sặc đờm dãi, sữa hoặc thức ăn nếu không được đặt nằm đúng tư thế, gây tắc đường thở.

Nguy cơ suy hô hấp: Một số trường hợp co giật đi kèm với khó thở, tím tái, có thể tiến triển thành suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để tránh bị co giật khi sốt cha mẹ cần lưu ý những điều sau: Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ bởi khi trẻ bị cúm A, sốt cao là triệu chứng phổ biến.

Cha mẹ nên đo nhiệt độ 1 giờ/lần. Nếu sốt trên 38.5°C, cần hạ sốt bằng paracetamol theo đúng liều lượng. Kết hợp lau mát bằng khăn ấm ở vùng trán, cổ, nách, bẹn để hỗ trợ hạ nhiệt.

Bổ sung đủ nước và dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước, sữa, nước oresol hoặc nước trái cây để tránh mất nước. Đảm bảo chế độ ăn dễ tiêu hóa, đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.

Cách ly và vệ sinh phòng bệnh: Tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế lây lan virus. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể. Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong trường hợp trẻ bị co giật do sốt cao, cha mẹ cần bình tĩnh và thực hiện theo các bước sau: Đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh sặc.

Dùng muỗng có quấn khăn (hoặc góc khăn) đưa vào miệng trẻ để tránh cắn lưỡi. Nới lỏng quần áo, không ghì chặt cơ thể trẻ. Hạ sốt ngay lập tức bằng thuốc đặt hậu môn kèm chườm.

Tuyệt đối không vắt chanh, đổ thuốc vào miệng trẻ khi đang co giật gây hít sặc, ngạt thở, tử vong. Quấn kín trẻ hoặc ủ ấm làm nhiệt độ tăng cao và gây co giật kéo dài.

Lau mát bằng nước đá làm trẻ lạnh run, ít hiệu quả. Lau bằng cồn vì dễ gây bỏng da, thoa rượu dễ gây ngộ độc. Không dùng vật cứng để ngang miệng sẽ làm gãy răng trẻ, tổn thương nướu răng, tổn thương niêm mạc miệng trẻ.

Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu: Cơn co giật kéo dài trên 5 phút; Trẻ không tỉnh lại sau co giật; Xuất hiện tím tái, khó thở.

Về dịch cúm mùa, theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 5/2, hệ thống giám sát đã ghi nhận đợt bùng phát cúm mùa tại Nhật Bản, với khoảng 9,5 triệu ca mắc cúm từ ngày 2/9/2024 đến 26/01/2025.

Các khu vực có đông dân cư và nhiều điểm du lịch như Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đợt bùng phát này chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát dịch cúm B.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong các tuần cuối năm 2024, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) đã tăng lên ở nhiều quốc gia Bắc bán cầu, vượt qua mức cơ sở thông thường. Tình trạng này phổ biến ở các quốc gia thuộc châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Tây Phi, Bắc Phi, Đông Phi và nhiều quốc gia ở châu Á.

Bộ Y tế đã cung cấp thông tin liên quan đến đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản cũng như tình hình dịch bệnh tại một số khu vực trên thế giới.

Theo dữ liệu công bố ngày 31/1/2025 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025, Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa, trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 ghi nhận hơn 317 nghìn ca. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do cúm A gây ra, tuy nhiên vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch cúm B.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo rằng, tại nhiều quốc gia thuộc Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng vào cuối năm do các tác nhân như vi rút cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), và các vi rút phổ biến khác như hMPV và mycoplasma pneumoniae.

WHO cho biết, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) tại một số quốc gia Bắc bán cầu đã tăng cao trong những tuần cuối năm 2024, vượt qua mức cơ sở thông thường.

Ngoài ra, theo kết quả giám sát cúm toàn cầu, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu (với tất cả các phân nhóm của vi rút cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B), và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A(H1N1) pdm09). Điều này phù hợp với xu hướng điển hình của bệnh cúm vào cuối năm.

Với điều kiện thời tiết hiện tại thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để chỉ đạo các địa phương và đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp và kịp thời.

Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để người dân không hoang mang, lo lắng nhưng vẫn không chủ quan, lơ là trước các diễn biến dịch bệnh.

Để phòng chống cúm mùa hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp.

Đeo khẩu trang tại nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi.

Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng và hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Tiêm vắc-xin cúm mùa để phòng bệnh. Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm, và duy trì thói quen vận động thể lực.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý xét nghiệm hoặc mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/be-trai-co-giat-vi-mac-cum-a-chuyen-gia-canh-bao-nhung-dieu-cha-me-can-biet-d245355.html