Bên lề Quốc hội: Chính sách ưu đãi nhà khoa học - cú hích cho đổi mới sáng tạo

Được hưởng 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu. Đây là một chính sách tiến bộ, thể hiện rõ quan điểm coi khoa học và công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Phiên làm việc của Quốc hội ngày 13/5. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phiên làm việc của Quốc hội ngày 13/5. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã có rất nhiều các chính sách đặc thù cho khoa học như người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu được do kết quả nghiên cứu mang lại khi thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập, cho phép lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia…

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 13/5, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ thêm về các vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương): Nhà khoa học nên được hưởng lợi theo giai đoạn nghiên cứu, không nên cứng nhắc 30%

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo luật lần này là quy định nhà khoa học được hưởng 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu. Tôi cho rằng đây là một chính sách tiến bộ, thể hiện rõ quan điểm coi khoa học và công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Theo đó, quy định này ghi nhận công sức, trí tuệ và đóng góp thực chất của nhà khoa học, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và kết quả ứng dụng thực tế.

Bên cạnh đó, chính sách này sẽ khơi dậy động lực sáng tạo, giúp các nhà nghiên cứu dám nghĩ, dám làm, chủ động tìm tòi hướng nghiên cứu có tính ứng dụng và giá trị thực tiễn cao.

Đồng thời, việc chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu là cách giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lực khoa học không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi quốc tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu là chưa thật sự linh hoạt. Thay vào đó, nên xem xét quy định linh hoạt hơn, chẳng hạn từ 10% đến 35%, tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể của quá trình nghiên cứu.

Bởi lẽ, mức độ rủi ro và đóng góp thực tế của nhà khoa học ở từng giai đoạn là khác nhau. Ở giai đoạn chế tạo thử, chuẩn bị thương mại hóa, khi sản phẩm đã dần hoàn thiện và có tiềm năng rõ ràng, việc chia sẻ quyền lợi cao hơn là hợp lý. Ngược lại, ở giai đoạn đầu nghiên cứu, khi rủi ro còn cao, việc xác định tỷ lệ hưởng lợi quá lớn sẽ gây khó khăn cho các đơn vị đầu tư hoặc chuyển giao.

Do đó, cần có một cơ chế phân bổ lợi ích hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của kết quả nghiên cứu, để vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà khoa học, đơn vị chủ quản và đối tác ứng dụng.

Tôi cũng đề nghị trong quá trình hoàn thiện luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần có hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng quy định đúng nhưng khó thực hiện. Nếu thực hiện tốt quy định thì sẽ khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế): Cần cơ chế kết nối và vận hành của Quỹ khoa học và công nghệ

Hiện nay, chúng ta đã có hệ thống pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, riêng về đổi mới sáng tạo thì đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào một dự thảo luật với tên gọi mới: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Tên gọi này tuy dài, nhưng theo tôi là cần thiết, vì nó thể hiện rõ mục tiêu nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo – yếu tố không thể thiếu trong tiến trình chuyển đổi số.

Xung quanh tên gọi này cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, khi xem xét toàn bộ nội dung các điều khoản liên quan, tôi cho rằng việc giữ nguyên tên gọi như hiện tại là hợp lý. Nó giúp cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết số 66 và 68 đã được ban hành, trong đó nêu rõ định hướng đột phá về đổi mới sáng tạo trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, các văn kiện Đại hội Đảng cũng là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sức mạnh nội lực quốc gia trong kỷ nguyên phát triển mới, một giai đoạn vươn lên mạnh mẽ của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế bền vững và lành mạnh. Trong số đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng, bao gồm cả hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cần nhấn mạnh rằng, khởi nghiệp không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp lớn hay tập đoàn công nghệ mà đặc biệt cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trẻ. Nhiều doanh nghiệp trẻ, nếu được trang bị kiến thức và kỹ năng hiện đại trong quản trị, công nghệ và đổi mới, có thể phát triển nhanh hơn cả những doanh nghiệp truyền thống có quy mô lớn nhưng chậm đổi mới. Đây là nguồn lực cần được chú trọng và phát huy trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Một nội dung khác mà tôi đặc biệt quan tâm trong dự luật này là vấn đề các loại quỹ hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong dự thảo có đề cập đến các loại quỹ như quỹ cấp quốc gia, quỹ cấp bộ ngành, địa phương, và quỹ doanh nghiệp. Việc luật hóa các quỹ này vào cùng một văn bản là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, vì dù khác cấp độ nhưng các quỹ đều thuộc cùng lĩnh vực chuyên môn.

Điều quan trọng là phải có cơ chế kết nối giữa các quỹ từ quốc gia đến địa phương, bộ ngành doanh nghiệp để tạo thành một hệ thống hỗ trợ thống nhất, hiệu quả. Hiện nay, sự vận hành của các quỹ này còn khá đơn lẻ và thiếu liên kết. Dự luật cần quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cấp, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và vận hành các quỹ.

Đặc biệt, quỹ đầu tư mạo hiểm là một trong những yếu tố then chốt cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Quỹ này nếu được thiết kế và vận hành đúng cách, sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho các ý tưởng khởi nghiệp, giúp chuyển hóa tri thức, sáng kiến thành các sản phẩm, dịch vụ cụ thể, có giá trị kinh tế và xã hội.

Theo tôi, vấn đề các quỹ, đặc biệt là cơ chế quản lý, vận hành và đánh giá hiệu quả, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng ta không thể tiếp tục để tình trạng hình thành quỹ mà không phát huy được hiệu quả, dẫn đến trì trệ hoặc lãng phí nguồn lực. Việc luật hóa lần này chính là cơ hội để khắc phục những hạn chế trước đây và tạo nền tảng pháp lý cho đổi mới sáng tạo phát triển thực chất.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Tận dụng hiệu quả quỹ đầu tư tư nhân trong đổi mới sáng tạo

Dự thảo Luật lần này đã có quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương. Đầu tư mạo hiểm, tạm gọi là đầu tư có rủi ro, mà có rủi ro thì phải có sự thận trọng, phải chọn được nhân lực để quyết định có đầu tư hay không. Nếu chúng ta thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương rồi giao cho những cơ sở, những bộ phận không chuyên thì chắc chắn rủi ro là phần lớn. Cho nên, thay vì thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương thì nên tạo cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân hiện có hoạt động hiệu quả hơn.

Hiện có gần chục quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang hiện diện trên thị trường tài chính Việt Nam, có đầy đủ kinh nghiệm, thực lực. Khi đầu tư vào doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các quỹ này sẵn sàng chia sẻ không chỉ về vốn mà còn kinh nghiệm trong quản lý, sẵn sàng hỗ trợ, cho phép kênh phân phối hỗ trợ cho dự án thử nghiệm để đạt được thành công nhiều hơn.

Do vậy, tôi cho rằng nên cân nhắc có thể lồng ghép cơ chế hỗ trợ này tại dự thảo Luật liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai). Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai). Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai): Cần phân loại rõ ràng cơ chế tài chính, tránh ưu đãi dàn trải

Một điểm rất quan trọng trong dự thảo Luật lần này mà tôi cho rằng cần làm rõ hơn, đó là cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi thông qua các quỹ hỗ trợ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, chúng ta chủ trương khuyến khích mạnh mẽ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng không nên thực hiện các chính sách theo kiểu "cào bằng".

Theo tôi, cần phân loại rõ ràng: doanh nghiệp nào có hàm lượng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp nào có tỷ trọng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển lớn, có đóng góp doanh thu đáng kể từ kết quả nghiên cứu thì mới thực sự xứng đáng được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù. Không thể để tình trạng doanh nghiệp nào cũng tự nhận là "doanh nghiệp khoa học công nghệ" để được hưởng ưu đãi. Nếu không có sự phân định cụ thể, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng dàn trải nguồn lực, không tạo được sức bật thực sự cho nền khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo tôi, chỉ cần xác định rõ khoảng 10 - 15 doanh nghiệp trọng điểm về khoa học công nghệ, những đơn vị đi đầu, làm thực chất, có đóng góp rõ ràng. Đây là những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng các cơ chế ưu đãi nổi trội về tài chính, vốn, thuế… để họ có thể tiếp tục đầu tư sâu, phát triển mạnh mẽ hơn. Khi tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp trọng điểm phát triển đột phá, chúng ta mới có thể tạo ra sức lan tỏa, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thùy Dương - Thúy Hiền (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-chinh-sach-uu-dai-nha-khoa-hoc-cu-hich-cho-doi-moi-sang-tao/373419.html