Bến Tre: Đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch tiếp cận, kết nối lại thị trường trong và ngoài nước
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 nhằm hướng tới phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong điều kiện thích ứng an toàn COVID-19.
Theo lộ trình khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, thời gian cuối năm 2021 khẩn trương tiến hành các công tác đảm bảo cho việc tái hoạt động tại các điểm tham quan, dịch vụ lưu trú và lữ hành.
Cụ thể, hướng dẫn, vận động và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch chuẩn bị các điều kiện để đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí phòng chống COVID-19; Tổ chức tập huấn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và các phương án xử lý tình huống liên quan đến dịch bệnh COVID-19; Tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ để chia sẻ, động viên các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tiếp tục duy trì hoạt động nhằm góp phần khôi phục hoạt động du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, vận động các đơn vị kinh doanh du lịch nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới theo hướng tua khép kín, tập trung các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, các chương trình tham quan ngoài trời, trải nghiệm, mua sắm đặc sản địa phương,…; Nghiên cứu các thị trường du lịch quốc tế đã kiểm soát dịch COVID-19 và là thị trường tiềm năng cho du lịch của tỉnh để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch; kết nối các kênh truyền thông quốc tế có uy tín chuẩn bị cho lộ trình mở cửa ngành trong năm 2022; Tổ chức bàn tròn cà phê doanh nghiệp du lịch để bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn COVID-19.
Năm 2022, khôi phục hoạt động du lịch theo nguyên tắc mở hoạt động du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia. Khôi phục tất cả các hoạt động, loại hình dịch vụ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh.
Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch tiếp cận, kết nối lại thị trường trong và ngoài nước theo hình thức trực tuyến và trực tiếp để xúc tiến và chào bán các sản phẩm du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu "Du lịch sinh thái sông nước Xứ dừa - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng; "Du lịch vùng xanh Xứ Dừa - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng"; các chính sách về giá, các chương trình kích cầu của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch,... đến du khách trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đã ký kết. Đồng thời, mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương khác trên cả nước; phát huy vai trò then chốt của Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch, liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của các địa phương.
Ra mắt và vận hành chính thức Cổng Thông tin điện tử du lịch Bến Tre (bentretourism.vn) và Ứng dụng du lịch thông minh Bến Tre (App Ben Tre Tourism trên điện thoại thông minh của hệ điều hành IOS và Android) nhằm hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh du lịch quảng bá sản phẩm, dịch vụ và kết nối với du khách.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 19 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong đó, có 8 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 89 cơ sở lưu trú với trên 1.500 phòng có sức chứa khoảng 3.000 khách; trên 130 cơ sở ăn uống với khoảng 35 ngàn chỗ ngồi (trong đó có 6 cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch); 39 khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch. Ngoài ra còn có có 2 cơ sở mua sắm, 1 cơ sở vui chơi giải trí và 1 cơ sở chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 10 trạm dừng chân đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong 2 năm (2020 - 2021), ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Phần lớn cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh phải tạm đóng cửa. Lượng khách và tổng thu từ hoạt động du lịch giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng thu từ khách du lịch (2018 - 2021) giảm gần 30%.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và tác động do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh việc triển khai, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách từ Trung ương, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhất là Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bến Tre về chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã góp phần khuyến khích tạo động lực để doanh nghiệp du lịch tiếp tục duy trì phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh liên kết hợp tác chuẩn bị các nguồn lực tái hoạt động theo lộ trình nêu trên; xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau, làm mới bổ sung giá trị gia tăng cho các sản phẩm dịch vụ, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, hưởng ứng thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp tình hình và duy trì chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình kích cầu du lịch và các chương trình truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Cùng với đó, chủ động kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho ngành; phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan để đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh./.